Doanh nghiệp sản xuất xi măng trước bài toán hóc búa, giải pháp nào trước khi 'giọt nước tràn ly'?
Thị trường dư cung, cùng với việc chi phí đầu vào các yếu tố cấu thành nên giá vốn liên tục leo thang đang đẩy những doanh nghiệp sản xuất xi măng vào thế khó.
Doanh thu không cứu được lợi nhuận
Bức tranh tài chính quý I/2025 của ngành xi măng cho thấy một nghịch lý rõ ràng: doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận vẫn đi lùi hoặc tiếp tục âm. Trong số 17 doanh nghiệp xi măng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, có đến 9 công ty thua lỗ. Dù sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý I tăng gần 20% so với cùng kỳ, với nội địa đạt 15 triệu tấn và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn, nhiều doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi con số âm trên báo cáo lợi nhuận.

Đứng đầu danh sách thua lỗ là Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), ghi nhận khoản lỗ hơn 60 tỷ đồng dù doanh thu tăng gần 12%. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, BCC lý giải việc lỗ đến từ chi phí giá vốn tăng mạnh vượt xa mức tăng doanh thu, trong khi chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính không giảm đáng kể.
Tương tự, Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) báo lỗ gần 28,5 tỷ đồng dù doanh thu tăng 19%. Đây đã là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 320 tỷ đồng. Mức lỗ của Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) cũng chạm 9,2 tỷ đồng, dù đã cải thiện so với con số lỗ 25 tỷ đồng cùng kỳ.
Ở nhóm các doanh nghiệp nhỏ hơn, tình trạng lỗ cũng lan rộng: Xi măng Phú Thọ (PTE) lỗ 8,5 tỷ, Sài Sơn (SCJ) lỗ 3,2 tỷ, Quán Triều (CQT) lỗ 2 tỷ, và Vicem Thương mại Xi măng (TMX) lỗ 1,4 tỷ. Duy chỉ có một vài doanh nghiệp báo lãi khiêm tốn, như Xi măng Yên Bình (VCX) lãi 5,6 tỷ đồng – con số cao nhất nhóm.
Điểm chung trong các báo cáo tài chính là việc chi phí sản xuất, đặc biệt là giá vốn hàng bán, vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn và tiếp tục ăn mòn biên lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng chi phí bán hàng để duy trì thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ xi măng giá rẻ, trong khi vẫn phải chịu gánh nặng chi phí quản lý, vận chuyển và tài chính.
Hàng loạt yếu tố bất lợi
Các doanh nghiệp saen xuất xi măng đang đối mặt với hàng loạt áp lực đầu vào ngày càng nặng nề. Giá than, xăng dầu vẫn neo ở mức cao, trong khi chi phí logistics không ngừng tăng do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới và căng thẳng địa chính trị. Tổng hòa các yếu tố này khiến việc kiểm soát chi phí trở thành bài toán ngày càng hóc búa. Lợi nhuận vì thế bị bào mòn, dòng tiền thu hẹp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng buộc phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí giảm công suất để cắt lỗ.
Mới đây nhất, từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, lên mức 2.204,06 đồng/kWh. Đây là lần tăng thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng, sau đợt điều chỉnh vào tháng 10/2024.
Giới chuyên gia cảnh báo, mức tăng này sẽ tạo thêm một “cú đánh” trực diện vào các ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn như thép, xi măng, hóa chất, giấy – vốn có tỷ trọng chi phí điện rất cao trong tổng giá vốn.
Với ngành xi măng, nơi điện chiếm 10–12% chi phí sản xuất, đợt tăng giá điện lần này sẽ đẩy chi phí toàn ngành tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã lỗ nặng, việc tiếp tục duy trì sản xuất với chi phí điện ngày càng cao là bài toán nan giải, nhất là với những đơn vị như Xi măng Vicem Hải Vân (HVX), đang thua lỗ và không thể tiêu thụ clinker vì thị trường yếu.
Cạnh tranh nội địa và áp lực nhập khẩu
Dù sản lượng tiêu thụ trong nước quý I/2025 tăng 31% so với cùng kỳ – nhờ vào hoạt động đầu tư công và một phần nhu cầu từ khu vực tư nhân hồi phục – nhưng áp lực cạnh tranh vẫn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ phải chấp nhận bán giá thấp, tăng khuyến mãi để giữ thị phần, đặc biệt ở những khu vực có sự hiện diện của xi măng nhập khẩu giá rẻ.
Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Xi măng Vicem Hải Vân phản ánh tình trạng cạnh tranh gay gắt khi nhiều thương hiệu ngoài Vicem xâm nhập thị trường, khiến doanh nghiệp buộc phải chi mạnh để đẩy sản lượng, từ đó làm tăng thêm chi phí bán hàng.
Cục diện thị trường hiện tại cho thấy cung vẫn vượt cầu, với năng lực sản xuất toàn ngành đạt hơn 120 triệu tấn/năm trong khi tổng tiêu thụ (cả nội địa và xuất khẩu) chỉ vào khoảng 95 – 100 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa với việc gần 20 – 25 triệu tấn xi măng dư thừa mỗi năm. Các doanh nghiệp phải giành giật thị phần, dẫn đến cạnh tranh giá ngày càng khốc liệt, làm xói mòn lợi nhuận toàn ngành.
Triển vọng vẫn nhiều rủi ro
Mặc dù nhiều doanh nghiệp như Xi măng Bút Sơn, Hà Tiên... vẫn bày tỏ kỳ vọng vào năm 2025 khi đầu tư công được đẩy mạnh (với tổng vốn giải ngân dự kiến 790.000 tỷ đồng), thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và xuất khẩu tăng trưởng nhẹ, nhưng lợi nhuận vẫn là ẩn số lớn.
Với nền tảng chi phí sản xuất cao, đặc biệt là điện và than chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với sự dư thừa nguồn cung và cạnh tranh về giá, thì việc doanh nghiệp xi măng quay lại quỹ đạo lợi nhuận ổn định là thách thức không nhỏ.
Ngành xi măng đang cần một lộ trình chuyển đổi về công nghệ, tiết giảm chi phí năng lượng và tối ưu hóa vận hành để có thể thoát ra khỏi chu kỳ thua lỗ kéo dài. Nếu không, những lần điều chỉnh tăng giá điện hay các nguyên liệu cấu thành nên giá vốn sắp tới có thể sẽ là “giọt nước tràn ly” với nhiều doanh nghiệp vốn đã “mỏng đệm” tài chính sau nhiều quý lỗ triền miên.