Doanh nghiệp sản xuất “buộc lòng” tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất

Cập nhật: 00:00 | 25/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá xăng dầu liên tiếp tăng đang tạo áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tìm các giải pháp, cố gắng tăng giá bán ở mức thấp nhất để duy trì sản xuất cũng như để thị trường không thiết lập mặt bằng giá mới.

Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.FOOD), đơn vị chuyên cung ứng các loại trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, doanh nghiệp chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng giá xăng dầu, các loại nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, nên doanh nghiệp “buộc lòng” phải điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Doanh nghiệp sản xuất “buộc lòng” tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất

Cụ thể, sau khi giá xăng dầu liên tục tăng và giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã phải tăng khoảng 10% giá trứng đối với trứng loại 1, tức là 2.000 đồng/vỉ trứng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ làm việc với các siêu thị, nhà phân phối để tìm cách chia sẻ khó khăn.

“Khi giá các nguyên liệu đầu vào còn tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại trao đổi với nhà bán lẻ, các kênh siêu thị để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí bán hàng cũng như chiết khấu thương mại. Khi đó, hai bên sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của việc tăng giá xăng dầu lên giá trứng”, ông Trương Chí Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty cổ phần Ba Huân hay Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng tỏ ra lo ngại khi giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... đã tăng 30-40% so với thời điểm ổn định, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng sản phẩm.

Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cho biết, sản phẩm mì ăn liền của Công ty sử dụng nhiều bột mì và dầu ăn, mà hai loại nguyên liệu này đều tăng giá, khiến giá thành sản xuất mì tăng theo.

Cố gắng không để thị trường thiết lập mặt bằng giá mới

Dù chịu nhiều áp lực và buộc phải tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tìm các giải pháp, cố gắng tăng giá bán ở mức thấp nhất để thị trường không thiết lập mặt bằng giá mới, đồng thời tích cực khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Đơn cử, tại Vifon, Công ty đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp một phần giá nguyên vật liệu tăng.

Còn tại Vissan, doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm giảm giá thành sản xuất.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Bài toán thay đổi về chất (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh, như đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào quá trình cơ cấu lại quy trình sản xuất, đổi mới mô hình và công nghệ quản trị; từng bước chuyển đổi các ngành nghề sử dụng nhiều lao động sang tự động hóa; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa để tăng tính cạnh tranh.

Doanh nghiệp sản xuất bột giặt lãi lớn vì đâu?

Doanh nghiệp sản xuất bột giặt LIX và NET cùng ghi nhận kết quả năm 2020 khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh ...

Doanh nghiệp sản xuất phụ tùng cho Honda, Yamaha, Piaggio chốt quyền chia cố tức 35% bằng tiền

CTCP Phụ tùng máy số 1 (FUTU1 – Mã: FT1) vừa thông báo lịch chia cổ tức năm 2020 bằng tiền. Doanh nghiệp dự kiến ...

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi xoay xở trong "bão" giá nguyên liệu

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang triển khai các phương án phù hợp để ứng phó với cơn "bão" giá nguyên ...

Thiên Ân

Tin cũ hơn
Xem thêm