Doanh nghiệp dệt may và điều kiện đi "cao tốc" EVFTA

Cập nhật: 14:51 | 15/05/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Hầu hết các doanh nghiệp mong đợi đơn hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, còn nhiều điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng để có thể tự tin lưu thông trên “đường cao tốc” EVFTA.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 20/5 tới đây (tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV). Đây có thể là thông tin đang được các doanh nghiệp ngành dệt may đón đợi.

doanh nghiep det may va dieu kien di cao toc evfta

Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc CTCP Kết nối châu Âu (Eurolink), đây là tin vui cho ngành dệt may trong bối cảnh đang phải chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19. Cơ hội của các doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn.

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các doanh nghiệp đánh giá là rất triển vọng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Âu có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với thuế suất về 0%, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể và cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường bởi lẽ, EU là thị trường rất khó tính, điều kiện kinh doanh chặt chẽ, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã sản phẩm, chỉ với một sơ suất cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thành cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã có nhiều bài học “đau đớn” xung quanh vấn đề xuất xứ. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp cần có ý thức cao về vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ, các cấp, các ngành phải vào cuộc thực sự quyết liệt, xử lý mạnh tay những doanh nghiệp chộp giật.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệpsản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

Chủ một doanh nghiệp dệt may cho biết, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu. EVFTA mở ra cho Việt Nam nhiều nút thắt, vấn đề còn lại là do chúng ta. EU sẵn sàng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nhưng vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hy vọng với tác động của EVFTA cùng làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, ngành dệt may sẽ nắm bắt được cơ hội “đổi đời”, gia tăng giá trị trong mỗi khâu.

Mới đây nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2020 đồng thời để thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kết nối mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và công nghệ cao đầu tư vào ngành dệt nhuộm trong nước. Hiệp hội ngành hàng phát huy hơn nữa vai trò trong việc mời gọi đầu tư, kết nối với các địa phương vẫn đang đón nhận các dự án đầu tư dệt nhuộm để giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài.

Được biết, 4 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có doanh nghiệp ngành dệt may. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là ngành dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Chuỗi cung ứng đứt gãy khiến không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp doanh nghiệp dệt may giảm thiểu rủi ro, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

doanh nghiep det may va dieu kien di cao toc evfta Doanh nghiệp dệt may "được mùa" cổ phiếu...

KTCKVN - Bất chấp các kết quả kinh doanh "đi lùi" do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhiều cổ phiếu dệt may đã tăng ...

doanh nghiep det may va dieu kien di cao toc evfta Vinatex báo lợi nhuận giảm nhẹ 3% trong quý đầu 2020

KTCKVN - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCOM – Mã chứng khoán: VGT) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020.

doanh nghiep det may va dieu kien di cao toc evfta Việt Nam xuất khẩu gần 416 triệu khẩu trang trong 4 tháng đầu năm

KTCKVN – Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính lũy kế từ ngày 1/1 đến 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của ...

Quốc Trung

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm