Chính sách - Đầu tư

Doanh nghiệp Đan Mạch rót 52 triệu USD xây nhà máy dệt may tại Bình Định

Hoàng Anh 11/04/2025 06:08

Bình Định đón dự án dệt may 52 triệu USD từ Tập đoàn Đan Mạch Mascot International A/S, đánh dấu thêm một FDI lớn vào khu công nghiệp địa phương.

Dự án do Mascot International A/S làm chủ đầu tư vừa được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ xây dựng một tổ hợp sản xuất may mặc chất lượng cao, kết hợp với kho bãi và trung tâm kiểm soát chất lượng nguyên phụ liệu tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh). Tổng diện tích đất sử dụng là hơn 9,8ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 52 triệu USD, tương đương hơn 1.290 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự kiến kéo dài đến tháng 8/2070, với thời điểm đưa vào vận hành chính thức là tháng 9/2026.

kkk(1).jpg
Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định

Dự án được kỳ vọng sẽ sản xuất và gia công khoảng 5 triệu sản phẩm quần áo mỗi năm, mang về doanh thu khoảng 51,3 triệu USD/năm khi đạt công suất tối đa trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, trung tâm kiểm soát chất lượng và kho bãi rộng khoảng 16.000m2 sẽ bổ sung thêm 2,4 triệu USD doanh thu mỗi năm.

Ngoài ra, nhà máy cũng tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu, phân phối bán buôn và dịch vụ kiểm tra, phân tích kỹ thuật – mang lại thêm khoảng 2,4 triệu USD doanh thu/năm từ các mảng này. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Dự án của Mascot International là một trong những điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư của Bình Định thời gian gần đây. Theo UBND tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương đã thu hút được 31 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.195 tỷ đồng. Trong đó, có 27 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI với tổng vốn khoảng 23 triệu USD – chưa bao gồm dự án của Mascot.

Không chỉ dừng lại ở các con số ấn tượng, Bình Định còn tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư đầu năm 2025, trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ cho 62 dự án với tổng vốn cam kết lên tới hơn 8 tỷ USD.

Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút mới 370 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký vượt 200.000 tỷ đồng. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của địa phương. Bình Định đã đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình cấp phép, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt và đồng bộ phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối – đúng theo phương châm “đi trước một bước”.

Bên cạnh các dự án trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, Bình Định cũng đang từng bước khẳng định vị thế trong thu hút các dự án lớn về năng lượng và công nghệ cao. Một trong những dự án nổi bật là Dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu do Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đầu tư, với tổng công suất khoảng 2.000 MW và tổng vốn lên đến 4,6 tỷ USD. Dự án này được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn công suất 750 MW, đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả Chính phủ Việt Nam lẫn Đức.

Với định hướng phát triển bền vững, Bình Định tiếp tục ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao và đóng góp dài hạn vào tăng trưởng kinh tế – xã hội. Đồng thời, địa phương đang xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, hiện đại, lấy nhà đầu tư làm trung tâm, qua đó khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của khu vực miền Trung trong giai đoạn tới.

Chiều 10/4, tỉnh Bình Định làm việc với bà Mariam J. Sherman – Giám đốc quốc gia WB – về hai dự án ODA tại Quy Nhơn. Dự án CCSEP với vốn đầu tư 33,2 triệu USD đã hoàn thành, giúp hơn 113.000 người dân hưởng lợi từ hệ thống vệ sinh cải thiện. Dự án IRDP có tổng vốn hơn 115 triệu USD, triển khai từ 2022 đến 2031, gồm tuyến đường nối QL19C với cảng Quy Nhơn (6,35km) và tuyến ven biển Mỹ Thành – Lại Giang (38,14km).\

      Nổi bật
          Mới nhất
          Doanh nghiệp Đan Mạch rót 52 triệu USD xây nhà máy dệt may tại Bình Định
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO