Doanh nghiệp có mạnh dạn chống hàng giả?

Cập nhật: 10:59 | 19/11/2016 Theo dõi KTCK trên

Trong khi hàng giả đang được xem như vấn nạn, nhiều doanh nghiệp (DN) bị nhái, giả sản phẩm nhưng điều trái khoáy là lại không dám lên tiếng vì sợ liên luỵ, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho DN trong cuộc chiến chống hàng giả xem ra khá nan giải.


Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hơn 2.000 vụ hàng giả, phạt hành chính gần 60 tỷ đồng.

Số liệu từ Cục Quản lý thị trường (QLTT – Bộ Công Thương) cho thấy đã phát hiện và xử lý 2.000 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong 10 tháng qua, trong đó xử phạt hành chính lên đến 58 tỷ đồng.

Sợ ảnh hưởng sức mua

Nói như PGs.Ts Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hàng giả còn tiềm ẩn hết sức nguy hiểm, càng kiểm tra, thì càng phát hiện những sai phạm cực lớn. Đơn cử, chỉ với riêng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng thì đã làm thiệt hại cho nền kinh tế trên dưới 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Thế nhìn nhận kết quả phát hiện hàng giả, kém chất lượng chưa tương xứng tình hình thực tế. Trong đó, có một nguyên nhân là cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Vấn đề đáng lo là có tình trạng DN không dám mạnh dạn lên tiếng tố cáo các sản phẩm làm nhái, làm giả vì sợ ảnh hưởng đến sức mua sản phẩm. Chuyện này đã được đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo về giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho DN do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức tại Tp.HCM ngày 17/11.

Ông Thế cho rằng hàng nhái, hàng giả hầu hết đều nhái lại với các thương hiệu đã có tên tuổi, có tiếng. Cho nên, DN phải nhận thức rõ điều này để đấu tranh quyết liệt hơn cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

doanh nghiep co manh dan chong hang gia

Lực lượng QLTT trong cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 2.000 vụ liên quan đến hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong 10 tháng đầu 2016


Nói như ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, DN có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hàng nhái, hàng giả để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc phối hợp khi có yêu cầu.

Ông Danh cho biết thêm, hiện tại còn có xu hướng là nhiều công ty ra sau cố tình nhái thương hiệu khác để nổi tiếng theo. Nếu ngay từ đầu, người tiêu dùng không được phổ cập thông tin, không biết đến những công nghệ này thì làm sao áp dụng được. Điều đó đòi hỏi cần phải tuyên truyền cho xã hội biết hiện nay giải pháp tốt nhất để chống hàng giả là dùng công nghệ tem chống hàng giả.

Không để doanh nghiệp “tự bơi”

Đứng ở góc độ DN, ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao, công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam), nhà sản xuất bugi NGK, bộc bạch rằng DN hầu như phải hoàn toàn “tự bơi” trong cuộc chiến chống hàng giả.

Theo chia sẻ của ông Kha, nhân viên của NGK đã từng đi thị trường, mua 1.208 bugi mang nhãn hiệu NGK ở 452 cửa hàng trên toàn quốc để chuyên gia kiểm nghiệm. Kết quả là 20,5% trong số này là hàng giả nhãn hiệu và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó, sản phẩm của DN này đang chiếm khoảng 70% thị phần.

Thực tế, khi hội nhập sâu rộng, một trong những ràng buộc về luật chơi giữa các nước có vấn đề sở hữu trí tuệ, thể hiện trách nhiệm của DN, buộc DN phải làm ăn đàng hoàng, hướng tới lợi ích cho xã hội.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là ý thức của DN về bảo vệ thương hiệu cần lớn hơn. Các DN cần có những giải pháp chống hàng giả toàn diện, khi hàng giả xuất hiện ở thị trường thì phải có công cụ nhận diện và xử lý.

Trong vấn đề bảo vệ thương hiệu của DN trước cuộc chiến với hàng giả như hiện nay, theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Tp.HCM, cần phải “định danh” được thế nào là thương hiệu, logo… mà luật sở hữu trí tuệ chưa định nghĩa. Nếu không thay đổi tư duy, nhận thức thì chắc chắn cuộc chiến chống hàng nhái, giả thất bại.

Trong khi đó, như lưu ý của ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389, giải quyết cũng không dễ vì mời cán bộ chuyên ngành về sở hữu trí tuệ cũng khó khăn trong khi DN xâm phạm lại có đội ngũ luật sư rất am hiểu luật pháp, biết dựa vào những sơ hở để phản biện cơ quan chức năng…

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina CHG, hiện nay đã có giải pháp chống hàng giả bằng tem thông minh. Loại tem thông minh này ứng dụng 5 công nghệ chống hàng giả trên một con tem. Con tem này giúp quản trị bán hàng cho DN và người tiêu dùng có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm..

Thế nhưng, có một thực tế là thị trường tem chống giả lại đang rất bát nháo, không rõ ràng, đánh lừa người tiêu dùng, trong khi DN ham rẻ, chỉ làm theo phong trào, dẫn tới hậu quả là DN làm ăn chân chính, có chức năng in tem bị ảnh hưởng tới uy tín, gây khó khăn trong đầu tư kinh doanh, máy móc, công nghệ, con người.



Theo Doanh nghiệp Việt Nam

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm