Doanh nghiệp cao su nào báo vượt chỉ tiêu năm 2020?

Cập nhật: 06:00 | 16/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Năm 2020 được coi là một năm chưa có trong tiền lệ khi đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao trong đại dịch COVID-19 lần thứ nhất. Tuy nhiên, năm vừa qua vẫn có nhiều doanh nghiệp ngành cao su ghi nhận kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.

Tăng trưởng ngành dầu khí 2021 được thúc đẩy nhờ các dự án LNG

Lịch trả cổ tức đầu năm Tân Sửu 2021: Cao nhất 2.500 đồng/cp

Năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) đã lãi 5.230 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 4.279 tỷ đồng, tăng 32%. Kết quả này đã giúp toàn tập đoàn vượt 22,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo giải trình của tập đoàn, con số lợi nhuận năm tăng trưởng cao nhờ kết quả đột biến từ quý IV, do giá bán một số mặt hàng chính tăng ổn định và khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn công ty con đã giúp GVR báo lãi quý IV 3.197 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ.

Cả hai con số lợi nhuận sau thuế của quý IV và của năm 2020 đều là mức cao nhất lịch sử của tập đoàn.

Luỹ kế năm 2020 của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR), công ty ghi nhận 1.632 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tương đương với năm 2019 nhưng lãi sau thuế tăng 130% lên 1.123 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận của công ty mẹ đã tăng lên 1.080 tỷ đồng, tăng trưởng 140%.

Nhờ kết quả tích cực này nên công ty đã vượt chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm 2020 mặc dù doanh thu trong năm không biến động so với năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp cao su này đạt lợi nhuận sau thuế trên nghìn tỷ đồng.

4459-cao-su-1
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp.

Trường hợp của CTCP Cao su Tây Ninh (Mã: TRC), cả năm công ty có lãi 93 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Doanh thu thuần năm 2020 của công ty do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 60% vốn điều lệ này đạt 361 tỷ đồng, tương ứng tăng 8%.

Với kết quả này, Cao su Tây Ninh cũng đã xấp xỉ hoàn thành mục tiêu kế hoạch lãi trước thuế với tỷ lệ thực hiện hơn 98%.

Doanh nghiệp cho biết, năm 2020, với diện tích vườn cây khai thác 3.838 ha, công ty khai thác được 8.054 tấn, vượt 3,3% kế hoạch, tiêu thụ 9.075 tấn, đạt gần 100% kế hoạch với giá bán bình quân 35 triệu đồng/tấn, bằng 109,6% kế hoạch năm.

CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), cả năm 2020, công ty có 1.140 tỷ đồng doanh thu thuần và 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng trưởng 10,4% so với kết quả năm 2019. Nhờ đó, Cao su Đồng Phú đã vượt 19% kế hoạch lợi nhuận sau thuế mà ĐHĐCĐ đã giao năm 2020.

Năm 2020 là một năm thành công đối với CTCP Cao su Hòa Bình (Mã: HRC) khi các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Cao su Hòa Bình khai thác cao su đạt hơn 101% kế hoạch, doanh thu thuần đạt hơn 188 tỷ đồng, trong đó doanh thu thành phẩm cao su tăng 66%, vượt 41% kế hoạch. Giá bán bình quân cao hơn năm 2019 gần 3 triệu đồng/tấn. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 9 tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch.

Đồng thời, công ty cho biết các khoản đầu tư dự án bên ngoài mang lại hiệu quả. Năm 2020, công ty được nhận cổ tức từ Cao su Việt Lào 6%, Cao su Bà Rịa - Kampong Thom 13,5% và Xây dựng Cao su Đồng Nai 8%.

Bên cạnh loạt doanh nghiệp cao su báo lãi vượt kế hoạch năm 2020, vẫn còn đó doanh nghiệp thua lỗ lớn. Trường hợp của CTCP Đầu tư Cao Su Quảng Nam (Mã: VHG), công ty báo lỗ 78 tỷ đồng, gấp ba lần số lỗ năm 2019. Trong khi theo kế hoạch đã thông qua năm 2020, mục tiêu lãi sau thuế phải đạt 400 triệu đồng.

Năm 2020, dù không phát sinh doanh thu, nhưng chi phí hoạt động vẫn được ghi nhận, trong đó chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 13,7 tỷ đồng và gần 10,5 tỷ đồng chi phí khác. Ngoài ra công ty còn ghi nhận khoản lỗ 20,6 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết.

Tính đến hết năm 2020, Cao su Quảng Nam đã lỗ lũy kế 1.344 tỷ đồng, trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu là 1.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo nhận định phát hành ngày 28/1 của CTCP Chứng khoán FPT, trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là mủ cao su kém khả quan với giá cao su duy trì ở mức thấp trong năm 2020, các doanh nghiệp cao su chủ động thanh lý gỗ cao su và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành khu công nghiệp. Trong đó, chuyển đổi đất cao su sang kinh doanh khu công nghiệp là một trong những mảng hấp dẫn của các doanh nghiệp cao su.

Trong năm 2021, ngành cao su tự nhiên Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong mảng kinh doanh chính là kinh doanh mủ cao su. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hóa, hồi phục theo mô hình chữ K. Một số doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất.

Hoàng Hà (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm