Điều gì khiến nhà đầu tư không còn "mặn mà" với DGC?

Cập nhật: 18:58 | 29/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Được đánh giá là một doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt, thế nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu DGC đã bốc hơi đến 18%, lớn hơn rất nhiều so với mức giảm chỉ hơn 6% của VN-Index.

Ảnh hưởng mạnh từ suy thoái kinh tế

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng (P4), axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 1 năm nay, việc Trung Quốc duy trì chính sách zero-covid đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ P4 của DGC. Do đó, kết quả kinh doanh theo quý của DGC cũng tụt giảm nhanh sau khi tạo đạt đỉnh vào quý I/2022. Cụ thể, trong quý IV/2022, DGC báo lãi quý 1.032 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong 5 quý, tính từ quý III/2021. Đặc biệt, nếu so với đỉnh vào quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của DGC đã giảm liên tục trong 2 quý và để mất 42,1% so với mức đỉnh.

Điều gì khiến nhà đầu tư không còn
Hóa chất Đức Giang được đánh giá là một doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt

Đây là nguyên nhân khiến cho HĐQT Hóa chất Đức Giang đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý I năm nay chỉ ở mức 700 tỷ đồng, tiếp tục giảm 32,1% so với mức quý trước.

Theo giới phân tích, DGC là doanh nghiệp có bảng cân đối vững mạnh. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này chỉ còn duy nhất 467 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, giảm 45,5% so với mức đầu năm. Trong khi đó lượng tiền và tiền gửi của DGC đã tăng mạnh lên hơn 9.000 tỷ đồng gấp 2,4 lần so với mức đầu năm. Những con số thống kê này cho thấy DGC là doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô như: lãi suất tăng, thiếu hụt thanh khoản…

Dù được đánh giá cao nhưng kể từ đầu tháng 2 đến nay, DGC bất ngờ bị nhà đầu tư bán tháo và giảm hơn 18%, trong khi VN-Index chỉ giảm 6%. Theo ước tính của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), mức giá hiện tại là hơn 50.000 đồng của DGC chỉ tương đương với VN Index ở điểm số 900 điểm.

Việc nhà đầu tư đua nhau xả hàng ngoài yếu tố chính đến từ sự sụt giảm về lợi nhuận đang diễn ra và xa hơn là những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Trong báo cáo mới đây, BVSC nêu quan điểm quan ngại về những thách thức mà DGC phải đối mặt trong 2023 khiến kết quả kinh doanh khó bứt phát mạnh mẽ.

Đầu tiên là mảng phốt pho vàng (đóng góp hơn 50% tổng doanh thu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500-6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022. Yếu tố thứ 2 là dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.

Cuối cùng là giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm. Nguyên nhân là nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng, giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm, trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng.

Điều gì khiến nhà đầu tư không còn
Từ đầu tháng 2 đến nay, DGC bất ngờ bị nhà đầu tư bán tháo và giảm hơn 18% (Nguồn: TradingView)

Nghi ngại về thương vụ tâu tóm TSB?

Ngoài lo lắng về triển vọng trong dài hạn, việc nhà đầu tư không còn mặn mà với DGC còn xuất phát từ những nghi ngại về thương vụ mua lại 51% cổ phần Công ty CP Ắc quy Tia Sáng (TSB). Cụ thể, DGC vừa hoàn tất mua lại hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB trong phiên giao dịch ngày 21/3.

Điều đáng nói là phần lớn số CP này được mua lại từ bà Bùi Thị Hà Thu, vợ ông Đào Hữu Duy Anh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DGC. Ông Duy Anh cũng là con trai của ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT.

Thông tin DGC gom cổ phiếu TSB giúp mã cổ phiếu này tăng mạnh từ mức giá 17.000 đồng thời điểm cuối năm 2022 lên giá đỉnh gần 47.000 đồng. Tuy nhiên, dù được giao dịch ở mức giá khá cao nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Ắc quy Tia Sáng lại không mấy nổi bật với lợi nhuận năm 2022 chỉ vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng (giảm 25%).

Được biết, Công ty CP Ắc quy Tia Sáng (địa chỉ tại đại lộ Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) trước đây là Nhà máy ắc quy Tam Bạc được thành lập năm 1960. Năm 1993 đổi tên thành Công ty Ắc quy Tia Sáng. Tháng 10/2004 chuyển đổi thành Công ty cổ phần thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và đến tháng 1/2011 thì đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

TSB là công ty chuyên sản xuất các loại ắc quy chì - axit tích điện khô, ắc quy khởi động ô tô, máy bay, tàu thủy, máy kéo, xe tăng. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất các loại ắc quy kín khí miễn bảo dưỡng dùng cho xe máy, tín hiệu, thông tin liên lạc và các loại ắc quy công nghiệp khác.

Chủ tịch DGC: Chúng tôi không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông

Tại ĐHCĐ Tập đoàn Hóa chất Đức Giang diễn ra sáng nay (29/3), có cổ đông cho biết đã mua cổ phiếu DGC tại mức giá 140.000 đồng/CP, có vay margin và đang còn giữ. Có một xu hướng là nước ngoài bán ra DGC làm cổ phiếu không tăng lên đúng giá trị được. Theo đó, cổ đông này đề xuất ban lãnh đạo đầu tư, mua thêm cổ phiếu DGC để cổ đông yên tâm nắm giữ.

Về vấn đề này, ông Huyền cho biết: "Việc của chúng tôi làm là đảm bảo được sản xuất kinh doanh và đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên. Chúng tôi không can thiệp vào nhà đầu tư nước ngoài và không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông. Chúng ta ai cũng biết, thị trường chứng khoán thì biến động và không ai nghĩ thanh khoản hiện giảm rất mạnh như vậy".

“Chúng tôi không hiểu nhà đầu tư nước ngoài. Họ đã từng hỏi mua 20% DGC nhưng chúng tôi từ chối. Còn về việc mua vào cổ phiếu, hiện tại tôi cũng đang lỗ. Một mình tôi không thể chống lại thị trường", ông Huyền nhấn mạnh.

Phiên giao dịch ngày 30/3/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Xây dựng Hòa Bình (HBC) lại bị HOSE nhắc nhở vì vi phạm quy định

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa có công văn nhắc nhở Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) nghiêm ...

Nhận định chứng khoán ngày 30/3/2023: VN-Index tiếp tục rung lắc

VN-Index dao động trong biên độ hẹp và đóng cửa tại 1.056,33 điểm. Theo nhận định, trong phiên giao dịch 30/3, VN-Index khả năng cao ...

Nhật Hải