Chủ trương - Chính sách

Diễn biến sáp nhập mới: Cả nước dự kiến còn hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 130.000 biên chế tinh giản

Tuấn Anh 09/05/2025 15:13

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã giúp tinh giản mạnh biên chế, giảm chi ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Ngày 9/5, tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, báo cáo từ Ban Chỉ đạo cho thấy, sau sắp xếp, dự kiến cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 29 đơn vị so với hiện nay. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũng giảm mạnh, từ 10.035 xuống còn 3.321 đơn vị.

Thủ tướng Phạm Minh chính chủ trì cuộc họp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương trên cả nước đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", quá trình lấy ý kiến nhân dân được triển khai đồng bộ, rộng khắp.

Tỷ lệ đồng thuận trong nhân dân đạt gần 96%, trong khi HĐND các cấp cũng đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án sáp nhập với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối, đạt 100%. Đến ngày 8/5, toàn bộ hồ sơ, đề án đã được hoàn thiện để trình Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách

Theo phương án được trình, dự kiến sau khi sáp nhập, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.

Công chức biên chế
Số lượng công chức biên chế giảm mạnh

Việc tinh giản biên chế được kỳ vọng mang lại hiệu quả đáng kể về tiết kiệm chi ngân sách. Trong giai đoạn 2026-2030, kinh phí tiết kiệm từ tiền lương và chi phí hành chính được tính toán lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng đề cập phương án chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi và đóng bảo hiểm xã hội cho những trường hợp đủ điều kiện.

Các đại biểu tham dự phiên họp nhận định, đây là vấn đề lớn, phức tạp, có tác động sâu rộng đến nhiều cơ quan, tổ chức, lĩnh vực. Do đó, yêu cầu các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai các công việc liên quan, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phương án sắp xếp tài chính, tài sản công đến bố trí nhân sự hợp lý.

Đảm bảo vận hành bộ máy chính quyền ổn định, liên tục

Bên cạnh việc sắp xếp, các ý kiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương sau khi sáp nhập.

Đặc biệt, công tác sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần được thực hiện minh bạch, đúng quy định, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Mục tiêu được xác định rõ ràng là phải đảm bảo bộ máy chính quyền các cấp hoạt động ổn định, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Diễn biến sáp nhập mới: Cả nước dự kiến còn hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 130.000 biên chế tinh giản
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO