Diễn biến mới nhất gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế 300 triệu USD của Novaland
Novaland công bố phương án tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá 300 triệu USD, bổ sung điều khoản “tối huệ quốc” để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho trái chủ. Doanh nghiệp cũng xây dựng hai kịch bản tài chính năm 2025, tùy thuộc vào tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – HoSE: NVL) vừa công bố phương án tái cấu trúc cho khoản trái phiếu chuyển đổi quốc tế có tổng giá trị 300 triệu USD. Đây là một trong những bước đi quan trọng thuộc kế hoạch tái cấu trúc toàn diện mà doanh nghiệp đang triển khai nhằm củng cố năng lực tài chính và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu quốc tế.

Theo thông tin từ Novaland, phương án tái cơ cấu này sẽ tính toán lại tổng dư nợ gốc dựa trên số dư nợ tại thời điểm phương án sửa đổi có hiệu lực, cộng với phần lãi đã và sẽ phát sinh đến hai kỳ thanh toán tiếp theo là ngày 16/1 và 16/7/2025, theo Hợp đồng ủy thác hiện hành. Khoản tổng hợp này sẽ được trừ đi phần giá trị mà công ty và các trái chủ có tỷ lệ đồng thuận cần thiết đã thống nhất loại trừ.
Bên cạnh đó, phần lãi chậm trả cũng sẽ được điều chỉnh tăng, tính theo mức lãi suất phát sinh tương ứng với khoản chậm trả trong các kỳ hạn nêu trên. Trường hợp có thỏa thuận khác giữa Novaland và trái chủ, điều chỉnh này có thể được điều chỉnh tương thích.
Bổ sung quy chế “tối huệ quốc” bảo vệ lợi ích trái chủ
Một điểm đáng chú ý trong phương án tái cấu trúc lần này là việc Novaland bổ sung điều khoản “MFN” (Most-Favoured-Nation – Tối huệ quốc). Quy định này nhằm đảm bảo tất cả các trái chủ quốc tế được đối xử công bằng và bình đẳng.
Cụ thể, trong trường hợp Novaland thực hiện phát hành cổ phiếu mới hoặc cấp quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, và đồng thời dùng một phần nguồn vốn huy động được để trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài, thì nhóm trái chủ sở hữu trái phiếu chuyển đổi quốc tế cũng sẽ được chia sẻ quyền lợi tương ứng, theo tỷ lệ phần trả nợ tương đương.
Đây là điểm được đánh giá tích cực từ phía thị trường, vì thể hiện tinh thần cầu thị và thiện chí đàm phán của doanh nghiệp trong bối cảnh tài chính còn nhiều thách thức. Đại diện Novaland cho biết, phương án tái cấu trúc lần này là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài, được xây dựng trên cơ sở cân bằng lợi ích và minh bạch thông tin, hướng đến mục tiêu hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng tạo đà phục hồi sau tái cấu trúc
Novaland khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước phục hồi hoạt động, ổn định tài chính và đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các bên liên quan. Đại diện doanh nghiệp gửi lời cảm ơn đến các trái chủ quốc tế vì sự đồng hành, chia sẻ và tin tưởng trong giai đoạn khó khăn, đồng thời bày tỏ kỳ vọng việc tái cấu trúc lần này sẽ mở ra cơ hội mới để Novaland quay lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Thông tin thêm, Novaland sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 24/4 tại NovaWorld Phan Thiet Golf Club, tỉnh Bình Thuận. Tài liệu đại hội cho thấy công ty xây dựng hai phương án kinh doanh cho năm 2025 tùy theo tiến độ tháo gỡ pháp lý tại các dự án trọng điểm.
Cụ thể, ở kịch bản thuận lợi, Novaland đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 12 tỷ đồng. Trong kịch bản thận trọng hơn, doanh thu thuần dự kiến ở mức 10.453 tỷ đồng và lỗ ròng có thể lên đến 688 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhấn mạnh rằng yếu tố pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Việc chia hai phương án kế hoạch tài chính phản ánh sự chủ động trong quản trị rủi ro và kỳ vọng vào những bước chuyển tích cực trong xử lý pháp lý thời gian tới.