Điểm mặt những doanh nghiệp có lãi giảm mạnh sau kiểm toán 2020

Cập nhật: 05:00 | 01/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Đến đầu tháng 4/2021, hàng loạt doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán, ghi nhận nhiều đơn vị giảm mạnh lợi nhuận so với báo cáo tự lập trước đó.

HOSE mục tiêu thu trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2021

PG Bank dừng sáp nhập HDBank sau nhiều năm "đắp chiếu", 2021 chưa có dự định tăng vốn

2716-doanh-nghiyp

Điểm mặt những doanh nghiệp có lãi giảm mạnh sau kiểm toán 2020. (Ảnh minh họa)

Sau kiểm toán năm 2020, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng lãi, ngược lại vẫn không ít đơn vị tăng gấp bội khoản lỗ tự ghi nhận.

Tính đến đầu tháng 4/2021, hàng loạt doanh nghiệp công bố BCTC kiểm toán, ghi nhận đa số đều giảm mạnh lợi nhuận so với BCTC tự lập trước đó.

Đất Xanh nâng mức lỗ lên gần 500 tỷ đồng, vào diện cảnh báo

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2020, qua đó cho thấy lỗ ròng trong năm của doanh nghiệp tăng thêm so với báo cáo tự lập trước đó.

Cụ thể sau kiểm toán, chi phí quản lý của Đất Xanh tăng 48 tỷ đồng, từ 546 tỷ đồng lên 594 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lỗ ròng 496 tỷ đồng, tăng 15% (tương đương tăng gần 64 tỷ đồng) so với báo cáo tự lập. Như vậy, con số lỗ ròng của Đất Xanh đã vượt mức dự tính trước đó của ban lãnh đạo công ty.

Với mức lỗ nêu trên, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vào diện bị cảnh bảo kể từ ngày 31/3/2021.

Đạm Hà Bắc lỗ nặng sau kiểm toán, vốn âm hơn 2.000 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2020 của CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB), chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng của Đạm Hà Bắc khi chiếm 951 tỷ đồng hầu hết là chi phí lãi vay. Theo đó mỗi ngày Đạm Hà Bắc phải chi tới 2,6 tỷ đồng lãi vay.

Cụ thể chi phí lãi vay của Đạm Hà Bắc chủ yếu phát sinh từ khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) với lãi suất 10,78%/năm. Doanh nghiệp này đã không thể cân đối được dòng tiền để trả đúng hạn gốc, lãi và phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả.

Sau khi trừ các loại chi phí khác, Đạm Hà Bắc lỗ ròng 1.461 tỷ đồng. Đây là mức lỗ cao nhất từ trước tới nay và là lỗ năm thứ 6 liên tiếp của Đạm Hà Bắc. Trong cơ cấu vốn, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 2.546 tỷ và 4.763 tỷ đồng, không suy giảm là bao so với đầu kỳ.

Tới nay, Đạm Hà Bắc ghi nhận tổng tài sản suy giảm hơn 700 tỷ đồng xuống còn 8.620 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hao mòn luỹ kế lên tới 4.234 tỷ đồng.

Lãi ròng GVR giảm hơn 500 tỷ đồng

Sau kiểm toán, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.116 tỷ đồng, giảm 55 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế giảm 154 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ giảm 509 tỷ đồng còn 3.770 tỷ đồng sau thuế.

Chi phí tài chính sau kiểm toán giảm 26% về 867 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 1.774 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận khác được kiểm toán viên giảm 3% còn 1.108 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm sau kiểm toán do lợi nhuận tập trung phải thu về công ty mẹ tập đoàn từ một số công ty TNHH MTV 100% vốn của tập đoàn giảm so với báo cáo.

Như vậy, so với kế hoạch năm 2020 đã đề ra, sau kiểm toán, GVR đã thực hiện được 86% mục tiêu doanh thu và vượt 26% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

2404-gvr-123
(Nguồn: H.H tổng hợp từ BCTC trước và sau kiểm toán của GVR)

Với việc điều chỉnh này, quy mô tài sản của GVR tính đến hết năm 2020 tăng 633 tỷ đồng sau kiểm toán, đạt 80.278 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hơn 28.847 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ đi vay hơn 12.107 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với trước kiểm toán.

Mirae (KMR): Lãi ròng năm 2020 giảm 41% sau kiểm toán

Sau kiểm toán, CTCP Mirae (Mã: KMR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2020 giảm hơn 128 triệu đồng, tương đương giảm 41% so với trước khi kiểm toán, chỉ còn hơn 182 triệu đồng. So với kết quả năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm đến 96% khi doanh thu thuần giảm 23%.

Kiểm toán điều chỉnh tăng doanh thu bán hàng gần 601 triệu đồng do Công ty chưa ghi nhận số liệu bán bông ngày 31/12/2020 vào sổ kế toán.

Chi phí tài chính cũng giảm 5% so với số liệu trên báo cáo tự lập năm 2020, nguyên nhân do kế toán hạch toán nhầm từ tài khoản giá vốn hàng bán số tiền 1 tỷ đồng, từ 2 bút toán điều chỉnh trên làm cho tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của KMR tăng 24%, tương đương tăng hơn 373 triệu đồng.

Từ đó, làm tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành lên 39%, tương đương hơn 501 triệu đồng do kế toán trích thiếu tiền thuế phải nộp trong năm 2020.

Chứng khoán IVS mất gần 60% lợi nhuận

Theo BCTC kiểm toán năm 2020 vừa công bố, lãi sau thuế của CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (Mã: IVS) mất gần 60% so với kết quả ghi nhận trong BCTC tự lập, chỉ còn gần 9,4 tỷ đồng

Theo giải trình, chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là do IVS đã trích lập dự phòng phần còn lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Điện lực Miền Bắc với giá trị gần 14 tỷ đồng. Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng đã điều chỉnh giảm chi phí quản lý đi gần 400 triệu đồng.

Kết quả, gần 13,5 tỷ đồng chi phí được ghi nhận thêm đã kéo lợi nhuận sau thuế của IVS giảm gần 60%.

1345-ivs
Chênh lệch các chỉ tiêu BCTC trước và sau kiểm toán năm 2020 của IVS. (Nguồn: IVS)

Tăng chi phí, lãi sau thuế PVC giảm 16% sau kiểm toán

Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (Mã: PVC) ghi nhận khoản chênh lệch gần 16% giữa báo cáo kiểm toán và báo tự lập.

Cụ thể, mục lãi sau thuế trong báo cáo kiểm toán 2020 của PVC ghi nhận gần 21 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập là gần 25 tỷ đồng.

Giải trình cho mức chênh lệch trên, PVC cho biết nguyên nhân là do lãi sau thuế công ty mẹ giảm hơn 3,5 tỷ đồng sau khi ghi nhận thêm khoản chi phí tương ứng, đồng thời Tổng Công ty còn tính bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 340 triệu đồng.

Hoàng Hà

Tin cũ hơn
Xem thêm