Điểm lại các đợt sáp nhập, chia tách tỉnh thành từ 1975 đến nay
Việt Nam từng có 72 tỉnh thành, sau nhiều lần sáp nhập và chia tách, hiện còn 63.
Nhìn lại các đợt sáp nhập và chia tách tỉnh từ 1975 đến nay
Ngay sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam có 72 tỉnh thành, trong đó miền Bắc gồm 28 đơn vị, miền Nam gồm 44. Tuy nhiên, đến năm 1976, con số này giảm xuống chỉ còn 38 sau đợt sáp nhập diện rộng. Đây là bước đầu tiên trong quá trình điều chỉnh tổ chức hành chính nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy.

Từ cuối những năm 1980 đến 1997, nhiều tỉnh hợp nhất trước đây được chia tách trở lại do yêu cầu quản lý, đặc điểm địa lý, lịch sử và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 1997 là một cột mốc quan trọng khi cùng lúc 10 tỉnh được chia tách. Sau lần điều chỉnh này, Việt Nam có 61 đơn vị cấp tỉnh.
Năm 2004 và 2008, thêm một số điều chỉnh lớn như tách Đắk Nông từ Đắk Lắk, lập Hậu Giang từ Cần Thơ và đặc biệt là mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Đến nay, cả nước có 63 tỉnh thành.
Dự kiến sáp nhập còn 34 tỉnh, thành
Tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương; tỉnh, thành phố và xã, phường.
Theo lộ trình thực hiện việc sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã, cuối tháng 3 vừa qua, đề án đã được hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tờ trình, đề án hiện đang được tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện để trình Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 với thời hạn hoàn thành trước 10/4.
Theo Tổng Bí thư, dự kiến ban đầu, cả nước còn khoảng 34 tỉnh thành trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh thành hiện nay. Theo định hướng này, cả nước có 11 tỉnh, thành phố được giữ như hiện tại, 52 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập theo tiêu chí đề ra.
Cùng với đó, Tổng Bí thư nêu rõ việc kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng 5.000 xã, phường. Như vậy, so với 10.035 xã, phường hiện nay, dự kiến số xã sau sáp nhập giảm khoảng 50%.