Điểm đến không thể bỏ lỡ ở TP.HCM dịp 30/4: Nơi chứa 12 bảo vật quốc gia và lịch sử nghìn năm văn hóa Việt
Với kiến trúc cổ điển và bộ sưu tập phong phú, di tích lịch sử này là điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá những di tích đặc sắc tại Sài Gòn.
Hành trình hình thành một kho tàng di sản
Từ những năm 1927, di tích văn hóa đặc biệt – Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã khởi nguồn từ ý tưởng bảo tồn và gìn giữ các cổ vật quý giá tại Nam Kỳ. Khi nhà sưu tầm Holbé qua đời, ông để lại một bộ sưu tập hiện vật trị giá 45.000 đồng bạc Đông Dương – một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ. Để mua lại bộ sưu tập này, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã đứng ra tổ chức quyên góp, cam kết trao tặng lại toàn bộ cho nhà nước. Cột mốc này không chỉ đánh dấu sự ra đời của bảo tàng, mà còn thể hiện tinh thần xã hội hóa di sản văn hóa từ rất sớm.

Ngày 28/11/1927, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse ký nghị định thành lập Bảo tàng Pacha Da Lagos tại Sài Gòn, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay. Được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Nam Kỳ và chịu sự giám sát khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ, bảo tàng từng bước trở thành trung tâm lưu trữ và nghiên cứu lớn.
Sau nhiều lần đổi tên phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, đến năm 2013, công trình này chính thức mang tên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, như cách định danh ban đầu, khẳng định vai trò là một trong những di tích lịch sử quan trọng bậc nhất phía Nam.
Không gian lưu dấu nghìn năm văn hóa Việt
Tọa lạc tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 – một vị trí trung tâm ngay sát Thảo Cầm Viên, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn là công trình kiến trúc có giá trị cao. Khuôn viên rộng hơn 6.000m² là nơi đặt hai tòa nhà tiêu biểu: tòa nhà cổ được xây từ năm 1927 do kiến trúc sư người Pháp Auguste Delaval thiết kế theo phong cách Đông Dương; và tòa nhà mới xây năm 1970 theo hình chữ U, hài hòa với tổng thể.

Bên trong, hơn 43.000 hiện vật được lưu giữ và trưng bày. Trong số đó có 12 bảo vật quốc gia, phản ánh chiều dài lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật và kỹ thuật của các thời kỳ. Không gian trưng bày gồm 18 phòng cố định và nhiều chuyên đề thường xuyên thay đổi, mang đến góc nhìn phong phú về quá khứ dân tộc.
Những bộ sưu tập quý giá
Khách tham quan sẽ được dẫn dắt theo dòng chảy lịch sử từ thời Nguyên thủy (cách đây 500.000 năm) đến cuối triều Nguyễn (1945). Mỗi không gian trưng bày tái hiện từng thời kỳ với các hiện vật mang tính đại diện như rìu đá, trống đồng Đông Sơn, tượng Phật thời Lý, binh khí thời Trần, hoặc sách đồng, súng thần công thời Nguyễn.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc phía Nam, văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo, gốm sứ châu Á, tượng Phật giáo các nước, các bộ sưu tập tư nhân như Dương Hà và Vương Hồng Sển – thể hiện chiều sâu sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu qua nhiều thế hệ.
Vai trò của di tích trong đô thị hiện đại
Giữa lòng đô thị sôi động, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM như một "ốc đảo văn hóa" gìn giữ ký ức về quá khứ. Di tích này không chỉ mang giá trị trưng bày, giáo dục mà còn là nơi tiếp cận lịch sử một cách sinh động – nhất là với thế hệ trẻ và khách du lịch quốc tế. Các chương trình chuyên đề như “Cổ đổng kỳ quan” góp phần đa dạng hóa trải nghiệm tham quan, giúp bảo tàng trở thành trung tâm giao lưu di sản khu vực.

Không gian ngoài trời của bảo tàng cũng đặc sắc không kém, nổi bật là khẩu súng thần công từ thế kỷ 18–19 – biểu trưng cho kỹ thuật quân sự cổ và là điểm dừng chân yêu thích của khách tham quan.
Hướng dẫn tham quan và dịch vụ
Bảo tàng mở cửa từ thứ Ba đến Chủ nhật với hai khung giờ sáng (8h – 11h30) và chiều (13h – 17h). Giá vé vào cổng là 30.000 VNĐ/lượt, đi kèm chính sách ưu đãi miễn giảm cho học sinh, người cao tuổi, người khuyết tật...
Việc di chuyển đến bảo tàng thuận tiện với nhiều phương tiện: xe buýt công cộng, taxi, xe máy cá nhân hoặc tour xe buýt 2 tầng. Bãi giữ xe được bố trí đầy đủ, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan.