Địa phương

Dịch tả lợn châu Phi bất ngờ xuất hiện tại Thanh Hóa, người dân cần chú ý!

Bạch Băng 21/07/2025 15:14

Từ ngày 30/6 đến 20/7/2025, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 14 xã, phường của tỉnh Thanh Hóa, buộc phải tiêu hủy hơn 500 con lợn.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Thanh Hóa

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tái xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống, tuy nhiên do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng ổ dịch có xu hướng tăng.

Thực hiện chôn lấp, tiêu huỷ lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi
Thực hiện chôn lấp, tiêu huỷ lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ ngày 30/6 đến 16h ngày 20/7/2025, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 89 hộ dân thuộc 50 thôn, phân bố ở 14 xã, phường trên toàn tỉnh gồm: Luận Thành, Mậu Lâm, Xuân Lập, Yên Thọ, Thọ Long, Sao Vàng, Kim Tân, Vân Du, Tân Dân, Quang Trung, Trường Văn, Thạch Bình, Như Thanh, và Đào Duy Từ. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 514 con, với tổng trọng lượng hơn 27,8 tấn.

Ngay sau khi dịch bệnh được phát hiện, lực lượng chức năng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra tại các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh. Qua ghi nhận, phần lớn các cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng đều hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, tận dụng, không đảm bảo an toàn sinh học, không có sự tách biệt giữa khu vực chuồng trại và không gian sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân và giải pháp phòng dịch

Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế, ngành thú y tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh là do hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, cũng như việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, việc các hộ chăn nuôi không áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học càng làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Thực hiện phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh lây lan
Thực hiện phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh lây lan (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Trước tình hình đó, các sở ngành liên quan và chính quyền cơ sở đã thành lập, kiện toàn các tổ giám sát bệnh DTLCP, tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, lưu thông sản phẩm thịt lợn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh.

Nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hóa chất, đồng thời tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định, nhằm loại bỏ nguồn lây và hạn chế nguy cơ lây lan ra diện rộng. Các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được khuyến khích nhân rộng để thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống.

Để đảm bảo kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động giám sát dịch tễ, tăng cường báo cáo nhanh khi có dấu hiệu bất thường. Cùng với đó, cần siết chặt quản lý vận chuyển động vật, đặc biệt là từ các vùng dịch sang vùng chưa có dịch.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dịch tả lợn châu Phi bất ngờ xuất hiện tại Thanh Hóa, người dân cần chú ý!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO