Dịch COVID-19: Lộ diện nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong quý 3

Cập nhật: 03:45 | 24/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ, vật liệu xây dựng, vận tải, bất động sản, du lịch,... bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí thua lỗ trong quý 3/2021.

4055-thua-ly-0

Dịch COVID-19: Lộ diện nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong quý 3.

(Ảnh minh họa)

Làn sóng dịch COVID-19 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam đặc biệt là TP HCM và Hà Nội phải giãn cách xã hội làm ảnh hưởng rất lớn tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) đã lỗ trong tất cả các tháng quý 3/2021 khi phải đóng tới 80% số cửa hàng vì giãn cách.

Quý 3/2021, PNJ lỗ sau thuế 158 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu của công ty phụ thuộc vào mảng online. Lũy kế 9 tháng, PNJ mới thực hiện gần 47% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong ngành thép, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ tiêu thụ và giá thép lên cao nhưng CTCP Thép Thủ Đức – VNSteel (Mã: TDS) lại báo lỗ 644 triệu đồng trong quý 3/2021 do tình hình tiêu thụ rất chậm, giảm hơn nửa sản lượng tiêu thụ hàng tháng. Trong khi đó chi phí nguyên liệu lại tăng cao.

Tuy nhiên nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, nên sau 9 tháng, Thép Thủ Đức vẫn vượt 191% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Cũng trong mảng vật liệu xây dựng và được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công, nhưng giãn cách xã hội đã khiến việc tiêu thụ xi măng của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) - doanh nghiệp nắm phần lớn thị phần ở phía Nam giảm 55%. Do đó, Hà Tiên 1 lần đầu báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong quý.

3411-vicem
Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) lần đầu báo lỗ sau 8 năm hoạt động (Ảnh: HT1)

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh quý 3/2021 của VICEM và các đơn vị thành viên.

Tiêu thụ xi măng trong nước của toàn xã hội trong quý 3/2021 chỉ đạt gần 12 triệu tấn, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó VICEM đạt gần 4 triệu tấn giảm khoảng 21% so với cùng kỳ và bằng 71,5% so với kế hoạch. Riêng Hà Tiên 1 và VICEM Hạ Long, nơi thị trường tiêu thụ nằm trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam.

VICEM cho biết các công ty sản xuất xi măng thành viên lỗ 79,6 tỷ, giảm gần 391 tỷ đồng so cùng kỳ.

Ngoài yếu tố dịch bệnh trong nước tác động thì việc xuất khẩu xi măng của toàn VICEM cũng giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines,Trung Quốc gặp khó khăn khi đang là mùa mưa bão và tình trạng bùng phát dịch bệnh ở Philippines cộng với cước tàu biển tăng cao và rất khó thuê được tàu.

Với ngành điện, dịch COVID-19 cũng khiến sản lượng điện sản xuất trong quý 3/2021 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) giảm 421 triệu kWh so với cùng kỳ. Chưa kể suất tiêu hao nhiên liệu tăng đẩy chi phí nhiên liệu tiêu hao lên cao.

Nhiệt điện Phả Lại cũng lần đầu phải báo lỗ 35 tỷ đồng sau 5 năm, trong khi cùng kỳ lãi 90 tỷ.

Ngành vận tải, COVID-19 tiếp tục tác động nặng nề, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) tiếp tục lỗ nặng với khoản lỗ 91 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Vinasun đã lỗ ròng hơn 188 tỷ đồng, cao hơn hai lần con số lỗ đề ra cả năm.

1937-thua-ly-1
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, CTCP Bến xe Miền Tây (Mã: WCS) lần đầu báo lỗ hơn 7,3 tỷ. Doanh thu của công ty lần đầu đạt dưới 1 tỷ đồng.

Ngành dầu khí, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating - Mã: PVB) phải thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy một số dự án không được triển khai theo kế hoạch dẫn tới doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.

Quý 3/2021 PVB ghi nhận lỗ ròng hơn 5,4 tỷ, xấp xỉ với mức lỗ quý 3 năm ngoái. Đây là quý thứ 5 PVB báo lỗ. Cả 9 tháng, PV Coating đã lỗ ròng gần 21 tỷ đồng, vượt con số lỗ đề ra từ đầu năm.

Ngành dệt may cũng gặp vô vàn khó khăn, ghi nhận CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) phải làm việc giãn cách nên năng suất không đạt kế hoạch. Đồng thời, chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần,… dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và thua lỗ. Trung bình một doanh nghiệp khoảng 1.000 lao động tiêu tốn 2,2 tỷ đồng/tuần.

Do đó, quý vừa qua Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu giảm 20% xuống 33 triệu USD (751 tỷ đồng). Doanh nghiệp này báo lỗ 213.000 USD (4,8 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi khoảng 85,5 tỷ đồng.

Ngành bất động sản tiếp tục trải qua một quý khó khăn, đơn cử DRH Holdings (Mã: DRH) quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt gần 206 triệu đồng, giảm mạnh 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, toàn bộ là doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản.

Dù vẫn ghi nhận khoản lãi hơn 10 tỷ đồng và công ty liên kết và tiết giảm được chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng phần lãi gộp không đủ bù đắp khiến DRH Holdings chỉ lãi gần 1,6 tỷ đồng trong quý này. Trong khi cùng kỳ lãi gần 8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, DRH Holdings chỉ mang về 9 tỷ đồng doanh thu và hơn 6 tỷ đồng LNST, đều giảm mạnh lần lượt 85% và 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với nhóm doanh nghiệp sản xuất, CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ còn 497 tỷ đồng, do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách xã hội kéo dài.

Gỗ An Cường lãi ròng quý 3/2021 gần 59 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả thấp nhất tính theo quý kể từ khi Gỗ An Cường công bố báo cáo tài chính (quý 2/2018).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Gỗ An Cường đạt 2.205 tỷ, lợi nhuận ròng 296 tỷ, lần lượt giảm 13% và 1% so với cùng kỳ. Như vậy công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 53% mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau ba quý.

4808-thyy-syn-nam-viyt
Navico thua lỗ quý 3/2021

Các chi phí cước tàu, vận chuyển cũng như chi phí phục vụ "3 tại chỗ" phát sinh nhiều đã khiến một doanh nghiệp thủy sản là CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng quý 3/2021. Doanh thu thuần đạt gần 656 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp lớn của ngành nhựa là CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) đã công bố công ty ghi nhận doanh thu quý 3/2021 giảm 53% so với cùng kỳ, đạt 529 tỷ đồng; mức lỗ sau thuế 26 tỷ đồng trong quý 3/2021, đây cũng là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử của công ty.

Sản lượng tiêu thụ giảm 59% còn 11.000 tấn do ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh miền Nam trong quý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh đạt 67.000 tấn (giảm 17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng (giảm 76%), thực hiện 58% kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm và 24% mục tiêu lợi nhuận năm.

Bức tranh tài chính khá sáng của các doanh nghiệp ngành than

Nhiều doanh nghiệp ngành than vừa đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với kết quả kinh doanh khả quan so với ...

Sếp lớn FPT sắp bỏ túi hơn 400 tỷ đồng sau khi cổ phiếu tạo đỉnh

Ông Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT (Mã: FPT) vừa đăng ký bán ra 4,5 triệu cổ phiếu, ...

Lịch cổ tức cuối tháng 10/2021: Loạt doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất 25% bằng tiền

Sự kiện cổ tức cuối tháng 10 (từ 25/10 đến 31/10/2021) trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp giao ...

Hoàng Hà

Tin cũ hơn
Xem thêm