Chính sách - Đầu tư

Địa phương có giá thuê đất chỉ bằng 30% cả nước, sau sáp nhập sẽ sở hữu tới 3 sân bay và 3 cảng biển nước sâu

Nguyễn Trang 08/05/2025 17:11

Sau những bước cải cách hành chính mạnh mẽ và cải thiện năng lực cạnh tranh, tỉnh này đang đứng trước cơ hội chuyển mình lớn nếu thực hiện sáp nhập

Ninh Thuận cải thiện năng lực cạnh tranh, mở rộng dư địa phát triển

Trong vòng ba năm trở lại đây, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ vị trí thứ 49 năm 2021 vươn lên vị trí thứ 13 vào năm 2024. Đây là kết quả của quá trình cải cách hành chính sâu rộng, thu hút đầu tư có chọn lọc và lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh. Thành tích này không chỉ nâng cao hình ảnh địa phương mà còn mở ra khả năng đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc phát triển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Ninh Thuận
Ninh Thuận đang có đà phát triển mạnh mẽ

Bằng các biện pháp cải cách thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả dịch vụ công cấp độ 4, thời gian xử lý chấp thuận chủ trương đầu tư đã giảm 30%, từ 29 còn 23 ngày làm việc. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu công nghiệp như Phước Nam, Du Long, Cà Ná đang phát huy hiệu quả, với giá thuê đất chỉ bằng 30% so với mặt bằng chung cả nước và gói ưu đãi thuế hấp dẫn kéo dài đến 15 năm.

Năm 2024, Ninh Thuận chấp thuận đầu tư 13 dự án với tổng vốn 32.846 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 53 dự án khác. Nhiều dự án quy mô lớn được triển khai như Thủy điện tích năng Phước Hoà (22.865 tỷ đồng), Khu đô thị mới Tây Bắc (7.750 tỷ đồng), Nhà ở xã hội Thành Hải (1.136 tỷ đồng) hay Phan Rang Center (864 tỷ đồng), tạo động lực tăng trưởng bền vững cho giai đoạn tới.

Hạ tầng giao thông cũng liên tục được đầu tư mở rộng. Trong 2 năm gần đây, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, tuyến nối Lâm Đồng – Ninh Thuận… lần lượt được đưa vào sử dụng, góp phần kết nối liên vùng hiệu quả hơn.

Sáp nhập hai tỉnh: Tối ưu hóa quy mô, không gian và nguồn lực

Trong bối cảnh Ninh Thuận đã và đang khẳng định được vị thế trong phát triển năng lượng, hạ tầng và hội nhập kinh tế, đề xuất sáp nhập tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Khánh Hòa được các cấp chính quyền địa phương và chuyên gia đánh giá là một hướng đi chiến lược.

Khánh Hòa và Ninh Thuận đều thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, có địa hình, khí hậu và cấu trúc kinh tế tương đồng. Việc hợp nhất không chỉ mang ý nghĩa mở rộng không gian phát triển mà còn tạo ra một thực thể hành chính có năng lực cạnh tranh mới trên bản đồ kinh tế quốc gia.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc sáp nhập sẽ mở ra sáu lợi ích lớn:

  1. Mở rộng quy mô kinh tế và tăng hiệu quả đầu tư: Hợp nhất sẽ giúp gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, nâng cao khả năng tích hợp chuỗi giá trị và thu hút dòng vốn lớn hơn.
  2. Đồng bộ hóa quy hoạch và sử dụng hạ tầng hiệu quả: Tỉnh mới có điều kiện tối ưu quy hoạch vùng, phát triển các hành lang chiến lược và khai thác hệ thống cảng biển, sân bay, cao tốc một cách đồng bộ.
  3. Tái cơ cấu lao động và mở rộng cơ hội việc làm cho người dân: Cơ cấu ngành nghề và trình độ lao động sẽ có điều kiện chuyển dịch tích cực hơn.
  4. Tối ưu hóa chi ngân sách và đầu tư xã hội: Các khoản chi cho bộ máy hành chính, hạ tầng xã hội có thể giảm thiểu, thay vào đó dành nguồn lực cho phát triển trọng điểm.
  5. Bổ sung thế mạnh địa phương: Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch, cảng biển, logistics; Ninh Thuận nổi bật với năng lượng tái tạo và nông nghiệp đặc thù. Việc kết hợp sẽ tạo nên sự bổ trợ hợp lý và toàn diện.
  6. Tăng cường liên kết vùng và hạ tầng chiến lược: Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ sở hữu hơn 200 km đường cao tốc, gần 200 km đường sắt tốc độ cao, ba sân bay (Cam Ranh, Thành Sơn, Vân Phong) và ba cảng biển nước sâu (Vân Phong, Cam Ranh, Cà Ná).

Định hướng phát triển trung tâm kinh tế – năng lượng biển mới

Sáp nhập hai tỉnh sẽ giúp hình thành một trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo quy mô lớn, đóng vai trò động lực phát triển cho cả vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt, Ninh Thuận đang tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII và xây dựng Trung tâm công nghiệp – dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

Với các tiềm năng sẵn có, cùng định hướng phát triển bền vững và liên kết chặt chẽ sau sáp nhập, Khánh Hòa – Ninh Thuận có thể trở thành một cực tăng trưởng mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu không gian kinh tế theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Địa phương có giá thuê đất chỉ bằng 30% cả nước, sau sáp nhập sẽ sở hữu tới 3 sân bay và 3 cảng biển nước sâu
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO