Địa ốc Hoàng Quân (HQC) hé lộ chuyển biến mới trong hợp tác với Novaland
Địa ốc Hoàng Quân chính thức tạm dừng dự án lớn với Hải Phát và hé lộ những chuyển biến mới trong quá trình hợp tác phát triển nhà ở xã hội cùng Novaland.
Sáng 10/5, tại TP.HCM, Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025. Ngay từ phần khai mạc, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn không né tránh khó khăn mà thẳng thắn thừa nhận: "HQC đang đối mặt với 5 thách thức lớn, trong đó doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch suốt 9 năm qua là vấn đề nan giải nhất".

Dù sở hữu nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận tích lũy của HQC chỉ đạt khoảng 100 tỷ đồng, quá nhỏ so với kỳ vọng 500-600 tỷ đồng. "Doanh thu trong lĩnh vực bất động sản tối thiểu phải đạt 50% vốn điều lệ, tương đương 3.000 tỷ đồng, nhưng chúng ta còn cách rất xa mục tiêu này", ông Tuấn nói.
Chưa dừng lại ở đó, giá cổ phiếu HQC hiện chỉ quanh mức 3.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá. Ông Tuấn thẳng thắn thừa nhận: "Giá cổ phiếu này phản ánh đúng sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. Thách thức là làm sao đưa cổ phiếu trở lại mệnh giá 10.000 đồng/cp."
Vấn đề thứ ba mà HQC đang trăn trở là thực hiện cam kết 50.000 căn nhà ở xã hội, nhưng sau nhiều năm, mới chỉ hoàn thành được 10.000 căn. "Muốn hoàn thành 40.000 căn còn lại trong 5 năm tới, HQC phải làm trung bình 7.000-8.000 căn mỗi năm, trong khi quỹ đất chỉ còn 50ha trên nhu cầu 200ha. Đây là bài toán không dễ giải", ông Tuấn thừa nhận.
Vấn đề thứ tư là áp lực vốn đầu tư khổng lồ, cần khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó phải vay ít nhất 10.000 tỷ đồng trung và dài hạn. Tuy nhiên, "Ngân hàng chỉ giải ngân khi chúng ta chứng minh được dự án khả thi, có quỹ đất, phương pháp triển khai rõ ràng và dòng tiền hợp lý".
Khó khăn cuối cùng, theo ông Tuấn, là việc phải tích hợp công nghệ hiện đại và các tiêu chuẩn ESG vào sản phẩm. "Chúng ta buộc phải theo xu hướng này, dù điều đó có thể làm tăng giá thành".
Kế hoạch kinh doanh 2025 của HQC được coi là tham vọng nhất trong 8 năm qua với doanh thu mục tiêu 1.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 80% đến từ dự án Golden City tại Tây Ninh. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 70 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và là con số cao nhất trong thập kỷ.
Công ty cũng đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 5.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay, đồng thời mở rộng sang bất động sản khu công nghiệp và nghỉ dưỡng với các dự án trọng điểm như KCN Hàm Kiệm 1 (Bình Thuận) và KCN Bình Minh (Vĩnh Long).
Ngoài ra, HQC trình phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi 500 tỷ đồng nợ vay, nâng vốn điều lệ lên 6.266 tỷ đồng. "Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm", ông Tuấn cho biết.
Thảo luận tại đại hội, khi nói về nghịch lý giá cổ phiếu giảm sâu dù vốn điều lệ liên tục tăng, Chủ tịch Trương Anh Tuấn thẳng thắn: "Có một nghịch lý lớn ở đây. Khi HQC mới niêm yết, thị trường chứng khoán khởi sắc, nhưng sau đó là chuỗi khó khăn kéo dài, từ việc dừng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đến tác động của COVID-19 và khủng hoảng kinh tế năm 2022. Giá cổ phiếu hiện tại phản ánh đúng thực trạng sức khỏe tài chính doanh nghiệp".
Đối với vấn đề công nợ kéo dài suốt nhiều năm, ông Tuấn cho biết HQC đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng vào các công ty liên kết, tuy nhiên hiệu quả mang lại không như kỳ vọng do gián đoạn chính sách nhà ở xã hội. "Từ năm 2025, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu hồi vốn thông qua các hình thức hợp tác hoặc thậm chí mua lại quỹ đất tại Cần Thơ, Đắk Lắk và các địa phương khác", ông khẳng định.
Khi được hỏi về chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp trong bối cảnh FDI chậm lại, ông Tuấn chia sẻ: "Hiện HQC sở hữu hai khu công nghiệp lớn tại Bình Thuận và Vĩnh Long. Chúng tôi cũng đã mua thêm khu công nghiệp 150 ha tại Bình Thuận, đang cân nhắc đưa vào danh mục đầu tư. Dù có những khó khăn về thuế quan, HQC kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại sẽ mở ra cơ hội mới".
Liên quan đến các dự án cụ thể, ông Trương Anh Tuấn cho biết về dự án 198ha tại Bình Thuận với Hải Phát: “Hiện cả Hoàng Quân và Hải Phát đã thống nhất tạm dừng triển khai dự án này. Tuy nhiên, hai bên vẫn giữ liên kết và sẽ tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới”.
Về hợp tác với Novaland, ông Tuấn thông tin thêm: “HQC và Novaland đã ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2024 để triển khai chương trình 200.000 căn nhà ở xã hội theo cam kết của Novaland với Chính phủ. Hiện hai bên đang tìm kiếm quỹ đất phù hợp. Đã có thí điểm 10ha tại Bình Thuận và báo cáo với Đoàn công tác Quốc hội, tỉnh Bình Thuận và Bộ Xây dựng”.
Đề cập đến chiến lược phát triển nhà thông minh phục vụ nhóm khách hàng trẻ, ông Tuấn khẳng định đây là hướng đi tất yếu: "Khoảng 70% khách hàng của HQC nằm trong độ tuổi từ 20-35. Họ có nhu cầu lớn về những sản phẩm nhà ở thông minh, xanh và tích hợp công nghệ. Trong giai đoạn 2025-2030, chúng tôi sẽ đưa các tiêu chí này vào sản phẩm nhà ở xã hội theo chuẩn ESG".
Trước câu hỏi làm sao cân bằng giữa phát triển nhà xanh, thông minh nhưng vẫn giữ giá thành hợp lý, ông Tuấn cho biết HQC đã hợp tác với các đơn vị tư vấn quốc tế để tối ưu thiết kế, giảm chi phí và rút ngắn tiến độ. "Áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Chúng tôi tin rằng giá thành cuối cùng vẫn có thể phù hợp với khả năng chi trả của người mua", ông nói thêm.
Về định hướng phát triển mảng giáo dục và tài chính, đặc biệt trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, ông Tuấn cho biết: "HQC coi AI là công cụ quan trọng trong quản trị và đào tạo. Chúng tôi bắt đầu từ việc đào tạo nhân viên nội bộ về ESG và công nghệ mới. Về tài chính, HQC đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào các công ty thành viên và đang xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, dự kiến trình bày tại Đại hội năm 2026".
Vấn đề công nợ tồn đọng cũng nhận được sự quan tâm lớn của cổ đông. Ông Tuấn khẳng định: "Các khoản công nợ chủ yếu đến từ việc tích lũy quỹ đất. Từ năm 2025, khi các dự án đã có đầy đủ pháp lý, HQC sẽ đẩy mạnh thu hồi vốn, đồng thời tăng cường hợp tác hoặc nắm quyền chi phối tại các dự án như Thành phố Vàng Tây Ninh”.
Khi được hỏi về khả năng thay đổi nhân sự cấp cao nhằm cải thiện hiệu quả quản trị, ông Tuấn không né tránh: "Ban lãnh đạo hiện tại là thế hệ gắn bó hơn 25 năm. Tuy nhiên, một thế hệ trẻ, được đào tạo bài bản đã sẵn sàng tiếp quản. Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Phong sẽ chuyển sang vai trò cố vấn để đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm và đổi mới".
Đại hội khép lại với toàn bộ tờ trình được thông qua. Ông Trương Anh Tuấn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030, đồng hành cùng ông Trần Anh Tuấn và ông Lý Quang Minh trong ban điều hành.