ĐHĐCĐ SHB 2025: Cổ đông nhận “quà to” và lời chúc đặc biệt từ chủ tịch
Tại ĐHĐCĐ 2025, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 25%, chia cổ tức 18%, đồng thời công bố loạt kế hoạch tái cấu trúc, thoái vốn và mở rộng chiến lược đầu tư dài hạn.
Chiều 22/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB, HOSE: SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với sự tham dự của hơn 1.500 cổ đông, đại diện cho 64,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngay trong phần khai mạc, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển gửi lời chúc đầy hào hứng tới cổ đông: “Đầu tư đâu trúng đó”. Lời chúc đặc biệt này càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh cổ phiếu SHB vừa trải qua đợt tăng giá mạnh với mức tăng 20,5% chỉ trong hai tuần, trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán. Kết phiên ngày 22/4, cổ phiếu này tham chiếu ở mức 13.200 đồng/cp, thanh khoản tăng đột biến với hơn 222,7 triệu cổ phiếu.
Năm nay, SHB tiếp tục tặng mỗi cổ đông tham dự đại hội món quà trị giá 200.000 đồng, tương tự như kỳ đại hội năm 2024. Ước tính, SHB đã chi hơn 310 triệu để tặng quà cho cổ đông tham dự hôm nay.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản vượt 832.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 16% và lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt dưới mức 2%. Tính đến hết quý I/2025, SHB đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch cả năm.
Để đạt được mục tiêu này, SHB sẽ triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp, bao gồm nâng cao quản trị điều hành, thúc đẩy tài chính xanh và phát triển bền vững, tăng trưởng khách hàng, hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro, củng cố bộ máy nhân sự và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Về cổ tức, SHB dự kiến chia 18% cho năm 2024, bao gồm 5% tiền mặt và 13% cổ phiếu. Với phương án này, vốn điều lệ ngân hàng có thể tăng thêm hơn 5.285 tỷ đồng, lên gần 45.942 tỷ đồng. SHB cũng đề xuất duy trì mức chia cổ tức 18% cho năm 2025. Trong nhiều năm qua, SHB vẫn giữ truyền thống chia cổ tức đều đặn ở mức 10–18%.
Nguồn vốn bổ sung sẽ được phân bổ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sử dụng khoảng 3.200 tỷ đồng để cho vay sản xuất, 1.785 tỷ đồng cho vay vốn lưu động và tài trợ tài sản cố định, cùng 300 tỷ đồng cho vay tiêu dùng.
Tại đại hội, Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh cũng công bố thông tin liên quan đến các thương vụ thoái vốn lớn. Đầu tiên là kế hoạch thoái 50% vốn còn lại tại SHB Finance (SHBFC) cho đối tác chiến lược Krungsri – thương vụ đang trong giai đoạn trình hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để chuyển đổi mô hình hoạt động.
Thứ hai là việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại SHB Lào. Theo SHB, thương vụ đã được Ngân hàng Trung ương Lào chấp thuận về nguyên tắc, hiện đang hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định pháp luật hai nước.
Thứ ba là kế hoạch thoái vốn khỏi SHB Campuchia. Ngân hàng hiện đang tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển đổi mô hình hoạt động tại thị trường này.
Ngoài ra, SHB cho biết đang tiếp tục làm việc với một số nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm tới việc mua cổ phần chiến lược. Đây là một phần trong kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ thông qua từ kỳ trước.
Cũng tại đại hội, ngân hàng trình cổ đông kế hoạch bầu bổ sung một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022–2027. Cụ thể, ông Phan Đăng Tuất được nhóm cổ đông có quyền đề cử giới thiệu vào vị trí thành viên HĐQT độc lập. Hiện tại, HĐQT SHB có 6 thành viên chính thức, trong đó ông Đỗ Quang Hiển giữ vai trò Chủ tịch và ông Đỗ Quang Vinh là Phó Chủ tịch.