Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội lên 12 làn xe
Đây là tuyến cao tốc thường xuyên ùn tắc, việc có thể nâng cấp lên thành 10-12 làn sẽ giảm tải và nâng cao năng lực khai thác.
Đề xuất nâng cấp cao tốc theo phương thức PPP
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo chính thức về việc xem xét đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 lên 10 – 12 làn xe theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nội dung được truyền đạt qua Công văn số 3509/VPCP – CN của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành – đơn vị hiện đang quản lý và khai thác tuyến cao tốc theo hình thức BOT. Bộ Xây dựng sẽ chủ trì hướng dẫn thực hiện, đồng thời báo cáo Thủ tướng nếu có nội dung vượt thẩm quyền.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, nối liền cửa ngõ phía Nam Hà Nội với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, được xem là tuyến huyết mạch của khu vực. Dự án được triển khai từ năm 2013 và đi vào thu phí từ tháng 10/2015, hoàn tất toàn bộ vào năm 2019.
Tuy nhiên, theo số liệu thu phí năm 2024, lưu lượng xe trung bình đã lên tới 85.000 xe/ngày đêm, vượt xa mức thiết kế ban đầu là 55.400 xe/ngày đêm. Tốc độ tăng trưởng phương tiện trên tuyến này hiện đạt bình quân 6% mỗi năm, cho thấy hệ thống hạ tầng đã dần quá tải so với nhu cầu thực tế.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng mặt cắt đường từ 6 làn xe lên 10 – 12 làn là bước đi cần thiết để giảm tải, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường chiến lược này.
Phối hợp quy hoạch và đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt quy mô 12 làn xe đoạn từ Pháp Vân đến Vành đai 4 và 10 làn xe từ Vành đai 4 đến Phú Thứ.
Song song với đề xuất mở rộng cao tốc, Hà Nội cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối trực tiếp vào tuyến, gồm:
- Dự án nút giao Tứ Hiệp tại Km184+116
- Dự án đường Vành đai 3,5 kết nối tại Km185+400
- Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô kết nối tại Km190+260
Các công trình trên sẽ tạo mạng lưới liên hoàn, thúc đẩy lưu thông liên vùng, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu di chuyển tăng mạnh vào các dịp lễ, tết và cuối tuần.
Việc lựa chọn phương thức PPP để triển khai mở rộng cao tốc là một hướng đi hợp lý trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đây cũng là cách để phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng, đồng thời rút ngắn thời gian triển khai.