Chính sách - Đầu tư

Đề xuất kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng 1 tuyến đường sắt nhanh

Tuấn Anh 14/07/2025 11:18

Hành khách di chuyển giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 30–40 phút nếu TP.HCM triển khai đường sắt metro nhanh.

Hạ tầng đường sắt, lời giải cho bài toán trung chuyển hàng triệu hành khách

Trong bối cảnh sân bay Long Thành chuẩn bị đi vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 và Tân Sơn Nhất nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm sau khi hoàn thành nhà ga T3, nhu cầu di chuyển giữa hai sân bay ngày càng trở nên cấp thiết. Theo dự báo, đến năm 2030, sẽ có khoảng 5 – 7,5 triệu hành khách mỗi năm cần trung chuyển giữa Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Khoảng cách 40km giữa hai sân bay không lớn nhưng lại là bài toán cần được quan tâm với điều kiện giao thông hiện nay. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thời gian di chuyển bằng ô tô có thể kéo dài đến 5 tiếng trong điều kiện giao thông bất lợi.

Đường sắt TP. HCM Long Thành
Tuyến đường sắt metro kết nối TP. HCM - Long Thành (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Đình Nên, chuyên gia cao cấp về quy hoạch giao thông thuộc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity cho biết, giải pháp khả thi nhất là sử dụng hệ thống đường sắt đô thị để kết nối hai sân bay. Trong quy hoạch điều chỉnh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 của TP.HCM, enCity đề xuất bổ sung đoạn ray nối tuyến metro số 6 với tuyến đường sắt Long Thành – Thủ Thiêm tại nút giao Phú Hữu, cho phép vận hành dịch vụ tàu kết nối trực tiếp hai sân bay.

Mô hình metro express (tàu nhanh chỉ dừng ở một số ga chính) có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tân Sơn Nhất – Long Thành chỉ còn 30–40 phút, so với 60–90 phút nếu đi metro thường. Các ga chính tạm thời được đề xuất bao gồm: Bình Triệu (giao metro số 3 – 6), Trường Thọ (giao metro số 1 – 6), ga Phú Hữu, ga trung tâm Nhơn Trạch và hai đầu mối là hai sân bay.

Để vận hành hiệu quả metro nhanh, cần bố trí thêm đường ray vượt tàu ở một số ga (như ga Tân Cảng trên tuyến metro số 1), thiết lập biển báo rõ ràng, đồng bộ ứng dụng di động tích hợp thông tin tàu – chuyến bay, và xây dựng lịch trình thông minh tương thích giữa các tuyến đường sắt liên kết.

Bài học từ quốc tế

Nhiều quốc gia đã thành công với mô hình tích hợp đường sắt – hàng không. Tuyến AREX (Airport Railroad Express) của Hàn Quốc là ví dụ điển hình khi rút ngắn thời gian di chuyển giữa sân bay quốc tế Incheon và sân bay nội địa Gimpo chỉ còn 20 phút. AREX hiện phục vụ hơn 180.000 lượt hành khách/ngày và là phần không thể thiếu trong hệ thống vận tải đa phương thức của Seoul.

Tuyến AREX (Airport Railroad Express) của Hàn Quốc
Tuyến AREX (Airport Railroad Express) của Hàn Quốc

Tại Thượng Hải (Trung Quốc), tuyến Airport Link Line kết nối hai sân bay Pudong và Hongqiao với tốc độ khai thác 160km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 90 phút xuống dưới 40 phút – cho thấy tính hiệu quả khi kết hợp các sân bay thông qua hệ thống đường sắt chuyên dụng.

Metro số 2 tăng tốc giải phóng mặt bằng, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị

Không chỉ metro nhanh giữa sân bay, hệ thống metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng là một phần quan trọng trong mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM. Tối ngày 13/7, ông Phan Công Bằng – Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã trực tiếp kiểm tra tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2, trong đó khu vực ga Dân Chủ đang triển khai khối lượng lớn.

Hiện công tác di dời hạ tầng (điện, nước, viễn thông) toàn tuyến đã đạt khoảng 60%, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. TP.HCM cũng chuyển hướng từ vay ODA sang đầu tư công, tạo thuận lợi cho việc rút gọn thủ tục, trong đó cho phép chỉ định thầu một số gói cấp bách.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, metro số 2 sẽ khởi công một số hạng mục chính – đóng vai trò kết nối liên khu vực trong mạng lưới đường sắt TP.HCM và góp phần điều tiết giao thông lõi đô thị.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Đề xuất kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng 1 tuyến đường sắt nhanh
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO