Đề xuất giảm lệ phí trước bạ ô tô từ ngày 15/11/2021

Cập nhật: 09:06 | 28/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Bộ Tài chính dự kiến giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 15/11 năm nay đến giữa tháng 5 năm sau.

Đề xuất: Hỗ trợ bằng tiền khi sinh con tại 21 tỉnh thành, sinh con thứ 2 được nhận tiền gấp đôi

Đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề xuất ba giai đoạn mở lại du lịch quốc tế

Dự thảo Nghị định Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho biết, lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ ký ban hành Nghị định sau 15/11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12 đến hết tháng 5 năm sau.

Việc áp dụng chính sách ưu đãi theo Bộ Tài chính có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

0432-phitruocba
Dự kiến giảm lệ phí trước bạ ô tô từ 15/11 (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước ba đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng.

Việc tái áp dụng chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian ngắn hạn nhằm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam. Và biện pháp giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; Tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết việc giảm lệ phí trước bạ có thể giúp tăng tổng thu ngân sách. Theo đó mặc dù việc giảm 50% mức thu LPTB sẽ làm giảm số thu LPTB theo chính sách, nhưng do số lượng xe ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu về lệ phí trước bạ, thuế TTĐB, thuế GTGT vẫn tăng lên. Trong 6 tháng cuối năm 2020, số thu lệ phí trước bạ giảm theo chính sách là 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu NSNN tăng 14.100 tỷ đồng.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng chia sẻ thêm về những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Áp lực đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách giảm chỉ kéo dài trong 6 tháng như biện pháp ngắn hạn gỡ khó cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, theo bộ giải thích, tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ôtô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới.

Một số nước như Indonesia, Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của Covid-19.

Trong khi đó, vì dịch bùng phát trở lại, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số xe tiêu thụ giảm mạnh. Số xe đăng ký trước bạ lần đầu trong nửa đầu năm nay là hơn 160.000 xe, giảm 24% so với nửa cuối năm ngoái. Đến quý III, số xe đăng ký trước bạ chỉ đạt bình quân gần 16.200 xe mỗi tháng, bằng hơn một nửa so với bình quân quý II. Trong tháng 8, con số này chỉ còn hơn 8.800 xe.

Bộ Tài chính đánh giá, số ca nhiễm thấp hơn đỉnh dịch nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất, lắp ráp ôtô do lượng tồn khi cao, công suất thấp khi không thể duy trì số người lao động và sức mua trong nước sụt giảm. Doanh nghiệp dự báo thị trường ôtô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm nay mà còn có thể kéo dài sang các năm sau.

Mới đây, đại diện 11 hãng nhập khẩu như Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... hôm 25/10 cho rằng Chính phủ không nên chỉ ưu đãi xe lắp ráp và kiến nghị áp dụng giảm lệ phí trước bạ cho cả xe nhập. Các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) cho rằng không công bằng khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô chỉ dành cho loại sản xuất, lắp ráp trong nước. Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả doanh nghiệp kinh doanh ôtô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính chưa nêu lý do không áp dụng giảm thuế với xe nhập khẩu.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm