Đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng

Cập nhật: 09:00 | 15/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo đề xuất của Chính phủ, nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023, phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Trong Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Phó Thống đốc cho biết quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.
Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.

Do đó, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Theo Phó Thống đốc, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế;...

Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ mức vốn tự có là 46.798 tỷ đồng.

Theo đó, căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.

Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15 (là 6.753 tỷ đồng). Phần còn lại là 10.347 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết hiện Agribank rất "khát" vốn, đang ở mức thấp nhất trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã có từ khóa XIV. Riêng trong giai đoạn 2021-2023, Nghị quyết 43/2022 đã có quy định sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, nhưng đến nay đã sang quý II mới trình.

Mặt khác, tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí từ ngân sách Nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc trình Quốc hội quyết định một số tiền mà chưa có trong dự toán liệu có đúng thẩm quyền.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội quyết định bổ sung cấp vốn điều lệ cho Agribank tại kỳ họp thứ 5 tới.

Nhưng để đủ điều kiện, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn phương án tăng vốn điều lệ theo yêu cầu Nghị quyết 43, tính khả thi bổ sung, các nguồn vốn bổ sung vốn và đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước, số lợi nhuận sau thuế 2021 - quý 1/2023 đã nộp vào ngân sách.

Cũng theo ông Hải, Thường vụ Quốc hội yêu cầu dự thảo các nội dung trình Quốc hội quyết định cần nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Agribank trong cấp, bổ sung vốn điều lệ sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục theo quy định trong cấp số vốn đã được bố trí dự toán ngân sách 2023.

Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất quý I/2023: BIDV vững ngôi “quán quân”

Theo số liệu từ 28 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính, tổng tài sản các ngân hàng có ...

Top 10 ngân hàng có lãi từ dịch vụ cao nhất quý I/2023: VietinBank “soán ngôi” Vietcombank

Theo báo cáo tài chính quý I/2203 của 28 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ...

Nam A Bank nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HOSE

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – UPCOM: NAB) cho biết, ngày 11/5 đã nhận được thông báo của Sở giao dịch Chứng ...

Thu Thủy