Góc nhìn

Để thị trường chứng khoán không phải mãi chỉ là ... tiềm năng

Lê Ngọc Hoàng/Nhà đầu tư 02/04/2025 16:39

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Với chỉ số VN-Index không ngừng thử thách các mốc lịch sử và dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân chảy mạnh mẽ, đây là thời điểm để chứng khoán khẳng định vai trò không chỉ là kênh đầu tư mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng đầy hứa hẹn là những thách thức dai dẳng, đòi hỏi sự thay đổi sâu rộng từ cả hệ thống lẫn tư duy của người tham gia.

thi truong chung khoan - minh bach
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận hàng triệu tài khoản giao dịch mới được mở trong vài năm qua

Không thể phủ nhận rằng chứng khoán Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về sự tham gia của nhà đầu tư. Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số tài khoản chứng khoán mở ròng, tính theo chênh lệch giữa tài khoản mở mới và tài khoản đóng, đạt 149.991 tài khoản trong tháng 2/2025. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở ròng 149.802 tài khoản. Đây cũng là mức mở mới cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới ròng toàn thị trường nói chung và nhà đầu tư cá nhân trong nước nói riêng đã tăng trở lại sau khi đạt mức thấp nhất trong một năm vào tháng trước với 80.516 tài khoản được mở mới. Bên cạnh nhóm cá nhân trong nước, các tổ chức trong nước mở mới ròng 62 tài khoản chứng khoán trong tháng 2, cao hơn 19 tài khoản so với tháng 1/2025. Tổng cộng nhà đầu tư trong nước mở mới 149.863 tài khoản ở tháng 2/2025, nâng tổng tài khoản nhà đầu tư nội lên hơn 9,48 triệu tài khoản chứng khoán. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025 nhà đầu tư trong nước mở mới 230.421 tài khoản, thấp hơn 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng triệu tài khoản giao dịch mới được mở trong vài năm qua, phần lớn đến từ thế hệ trẻ – những người không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn muốn thử sức trong một lĩnh vực từng được xem là xa vời với người dân bình thường. Công nghệ đã đóng vai trò then chốt: các ứng dụng giao dịch trực tuyến, dữ liệu thời gian thực và thông tin doanh nghiệp minh bạch hơn đã xóa bỏ rào cản gia nhập. Đây là tín hiệu tích cực, bởi một thị trường chứng khoán sôi động không chỉ mang lại cơ hội tài chính cá nhân mà còn là nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Hơn thế, sự phát triển của chứng khoán phản ánh khát vọng lớn hơn của nền kinh tế Việt Nam: chuyển mình từ một quốc gia phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng sang một thị trường tài chính đa dạng, nơi doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp từ công chúng. Khi các công ty niêm yết lớn mạnh, từ ngân hàng đến công nghệ, hiệu ứng lan tỏa đến tăng trưởng GDP là điều có thể đo đếm được. Với một dân số trẻ, năng động và ngày càng quan tâm đến tài chính, Việt Nam có tiềm năng biến chứng khoán thành công cụ chiến lược, không thua kém các nước phát triển.

Triển vọng nâng hạng trong năm 2025 cũng là một trong những động lực quan trọng của thị trường. Trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng, hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán trong đó có việc nâng hạng thị trường là điều cần thiết và sẽ đến.

Nhưng mọi thứ không đơn giản. Biến động giá cổ phiếu thường diễn ra mạnh, tâm lý đầu cơ lấn át chiến lược dài hạn, và không ít nhà đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ sau một giai đoạn đầu tư và từ đó không quay lại thị trường. Với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân lớn, việc thua lỗ phần lớn do thiếu kiến thức cơ bản và bị cuốn theo những cơn sốt ngắn hạn. Hành vi “bầy đàn” – mua khi thị trường lên, bán tháo khi thị trường xuống – đã trở thành đặc trưng khó xóa bỏ.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở nhà đầu tư. Các vụ việc thao túng giá cổ phiếu, bơm thổi thông tin hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp thiếu minh bạch trong vài năm qua đã tác động tới niềm tin của công chúng. Dù cơ quan quản lý đã có những động thái siết chặt, như tăng cường xử phạt hay yêu cầu công bố thông tin, tốc độ cải thiện vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Nhìn ra các thị trường lớn như Singapore hay Hong Kong, có thể thấy sự khác biệt không chỉ nằm ở quy mô mà còn ở cách vận hành. Ở đó, giáo dục tài chính được đưa vào từ sớm, giúp nhà đầu tư hiểu rõ rủi ro và xây dựng chiến lược hợp lý. Các cơ quan quản lý hoạt động hiệu quả, với hệ thống giám sát chặt chẽ và chế tài đủ sức răn đe. Doanh nghiệp niêm yết buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch cao, từ đó tạo niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư. Việt Nam không thiếu tiềm năng để học hỏi mô hình này, nhưng vấn đề là hành động.

Trước hết, cần một cuộc cách mạng về giáo dục tài chính. Không chỉ là các khóa học ngắn hạn, mà là một chương trình dài hơi, từ trường học đến cộng đồng, giúp người dân hiểu rằng đầu tư không phải là “cờ bạc hợp pháp” mà là một quá trình đòi hỏi kiến thức và kỷ luật. Thứ hai, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn trong việc giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị. Một thị trường chỉ thực sự bền vững khi cả ba chân kiềng – nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý – cùng vững mạnh.

Tham vọng biến chứng khoán thành kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế là hoàn toàn khả thi, nhưng không thể đạt được nếu thiếu quyết tâm và tầm nhìn dài hạn. Nếu thị trường tăng trưởng nóng mà không củng cố nền tảng – thị trường sẽ chỉ là một “cơn sóng” dễ đến dễ đi, thay vì một bệ phóng thực sự.

Việt Nam có cơ hội để chứng minh rằng chứng khoán không chỉ là nơi kiếm lời mà còn là công cụ định hình tương lai kinh tế. Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, cần nhiều hơn những con số đẹp trên bảng điện tử. Đó là sự thay đổi từ các thành viên thị trường, bao gồm các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong việc nâng cao kiến thức tài chính; các doanh nghiệp niêm yết; các định chế trung gian tham gia vào vận hành thị trường. Tất cả hướng đến một thị trường công khai, minh bạch, công bằng, phát triển một cách bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Để thị trường chứng khoán không phải mãi chỉ là ... tiềm năng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO