Để duy trì sự bền vững trong đầu tư, cần có chiến lược quản trị danh mục giữa các loại tài sản

Cập nhật: 05:00 | 16/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có một vài kênh đầu tư chính thống được nhà nước công nhận và bảo vệ quyền lợi như: bất động sản, vàng, chứng khoán, trái phiếu, ngoại tệ và gửi tiết kiệm.

Mỗi loại hình lại có một đặc điểm, độ rủi ro và biến động khác nhau nên để tìm ra được một công thức phù hợp cho tất cả mọi người là hoàn toàn không có bởi mỗi cá nhân, mỗi độ tuổi, giới tính lại có một risk tolerance (khẩu vị rủi ro) và risk capacity (khả năng chịu đựng rủi ro) khác nhau.

Thông qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm đúc rút ra trong quá trình phân bổ tài sản của mình vào các lớp tài sản đầu tư; hi vọng có thể giúp mọi người đưa ra được quyết định đúng đắn.

Nương theo chính sách của nhà nước và các ngân hàng trung ương trên thế giới (NHTW) để đưa ra quyết định đầu tư

Trên thị trường tài chính có câu “Don’t fight the Fed” (đừng chống lại Fed) để ám chỉ việc chống lại các chính sách tiền tệ của các NHTW (chẳng hạn như NHTW Mỹ - Fed) thường không mang lại kết quả tốt đẹp.

Để duy trì sự bền vững trong đầu tư, cần có chiến lược quản trị danh mục giữa các loại tài sản
Ảnh minh họa

Thực tế, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng được điều hành và kiểm soát bởi NHTW thông qua các chính sách tiền tệ và chính phủ thông qua chính sách tài khóa. Việc xác định xu hướng của các nhà điều hành rất quan trọng bởi nó quyết định điểm đến của dòng tiền thông minh.

Khi chính sách mang tính kích thích/nới lỏng thì dòng tiền có xu hướng chọn các loại tài sản rủi ro như BĐS, cổ phiếu, trái phiếu do tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân, doanh nghiệp gia tăng. Ngược lại, chính sách thắt chặt, việc co cụm vào các loại tài sản phòng thủ như gửi tiết kiệm, money market funds (quỹ tiền tệ) lại là lựa chọn sáng suốt.

Sử dụng đòn bẩy ở mức vừa phải

Sai lầm lớn của đa số các nhà đầu tư trên thị trường là sử dụng đòn bẩy hay còn gọi là đi vay quá mức để đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến khả năng trả lãi. Cũng giống như ở trên, khi NHTW và chính phủ kích thích kinh tế, đa số mọi người thường dễ dàng tiếp cận các gói vay với lãi suất hấp dẫn và thu nhập, tài sản cũng tăng lên nhanh chóng như tăng lương thưởng, sale dễ chốt đơn, phí môi giới hoa hồng, làm thêm giờ... Khi chính sách và nền kinh tế đảo chiều, mọi giả định về thu nhập trước đó của bạn đều thay đổi khiến áp lực trả lãi vay càng thêm khó khăn hơn.

Chính vì vậy, kinh nghiệm rút ra ở đây là chỉ nên vay 30-50% tổng tài sản và dành ra tối thiểu 50% thu nhập cho các khoản chi thiết yếu vì khi đó các khoản vay sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của bạn. Ngoài ra, cần tránh việc ghi nhận toàn bộ các khoản thu nhập bất thường như hoa hồng môi giới, thưởng vào dòng tiền trả nợ/lãi do các khoản này có thể sụt giảm ngay lập tức khi chính sách/nền kinh tế đảo chiều.

Trong bất kỳ bảng cân đối kế toán nào của doanh nghiệp, chúng ta đều thấy công thức “tổng tài sản = tổng nợ + vốn chủ sở hữu”. Vậy nên, không có nghĩa là chúng ta không nên đi vay, bởi nợ vay giúp bạn hình thành nên tài sản lớn hơn số vốn hiện có nếu biết cách sử dụng đúng. Tận dụng đúng chu kỳ của nền kinh tế và kiếm soát chi phí vay ở mức hợp lý giúp bạn đạt được tự do tài chính sớm hơn.

Quản trị nguồn lực trước khi đa dạng hóa danh mục

Ai cũng biết rằng không được “để nhiều trứng vào một giỏ”; nhưng cách thực hiện thì lại rất khó. Ở Việt Nam khi thu nhập của người dân thường không theo kịp xu hướng tăng giá của các loại tài sản, việc bạn đa dạng hóa tài sản khi thu nhập ở mức trung bình gần như là điều không thể. Nó khiến nguồn lực của bạn bị phân tán và rất khó theo sát các khoản đầu tư của mình. Thay vào đó, chúng ta nên dồn tiền vào các khoản đầu tư yêu cầu số vốn ban đầu thấp, dễ dàng tích lũy và có tỷ lệ sinh lời cao/một đơn vị rủi ro.

Có thể hiểu rằng, khi chấp nhận đầu tư vào các loại tài sản rủi ro cao hơn thì mức sinh lời của chúng cũng cao hơn tương ứng. Chẳng hạn, chứng khoán sẽ rủi ro hơn gửi tiết kiệm nhưng mức sinh lời trung bình hằng năm của quỹ FUEVFVND là 27% kề từ khi thành lập hay 10-11%/năm cho VN30.

Việc mua vào chứng chỉ quỹ ETFs cũng là cách để chúng ta đa dạng hóa danh mục khi đầu tư chứng khoán, bám sát diễn biến thị trường. Warren Buffet đã cược rằng, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày 1/1/2008 đến 31/12/2017, S&P 500 sẽ hoạt động tốt hơn danh mục đầu tư gồm 5 quỹ phòng hộ của hãng Protege Partners. Chỉ số này sau đó đã tăng 125,8% trong vòng 10 năm. Trong khi, 5 quỹ được lựa chọn kỹ càng bởi công ty Protégé Partners chỉ thu về khoản lợi nhuận bình quân là 36,3% khiến Buffet chiến thắng.

Khi đã đạt đến được số vốn đủ lớn thì mới đến lúc bạn cần đa dạng hóa tài sản như BĐS, gửi tiết kiệm và chứng khoán. Hãy luôn cố gắng giữ cho mình ít nhất 10% net value asset (tổng tài sản) cho loại tài sản có tính thanh khoản cao cho các trường hợp khẩn cấp và đảo nợ.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Giảng viên ĐH