Đẩy mạnh phục hồi sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh trong tình hình mới

Cập nhật: 11:00 | 01/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Chiều ngày 30/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức: "Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái 'bình thường mới', Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, kích cầu hàng hóa và xuất khẩu bền vững."

Quan điểm mới, cách làm mới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão” COVID-19

Thị trường xuất khẩu sẽ vượt mốc 310 tỷ USD trong năm 2021?

Giá than cốc tăng vọt lên 410 USD/tấn, cao gấp 3 lần kể từ đầu năm 2020

Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đã chịu ảnh hưởng mạnh trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: "Xuất khẩu hàng hoá đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên tháng 9, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng DN".

5243-xuatkhau
Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá gắn chặt với sản xuất, gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản. Năm 2021, vào quý II và quý III, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… "Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các tỉnh thành này chịu ảnh hưởng của dịch và giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng đến xuất khẩu", ông Trần Thanh Hải cho hay.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD.

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu

Đưa ra giải pháp hỗ trợ tối đa DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng khi sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới đang hồi phục, nhu cầu nhiên liệu sẽ cần nhiều hơn. Các tổ chức uy tín trên thế giới cũng đánh giá xăng dầu thành phẩm sẽ tăng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất cho các ngành sản xuất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, xác định đây là lĩnh vực quan trọng có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu của DN.

"Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc và phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách ở khu vực phía Nam, xác định lưu thông hàng hóa giữa các vùng và lưu thông hàng hóa đến các cảng, cửa khẩu là vấn đề khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, Bộ đã thành lập Tổ công đặc biệt ở khu vực phía Nam để phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời tiếp thu, phản ánh vướng mắc của các địa phương, DN trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa", bà Lê Việt Nga khẳng định.

5245-xuatkhau1
Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN thúc đẩy xuất khẩu như: Hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; khuyến khích các hiệp hội, DN logistics có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nông sản, thủy sản.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho hiệp hội và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Xây dựng kịch bản, chương trình phục hồi sau đại dịch

Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng khung Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước. Theo thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Trong khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, v.v. chưa đủ "sức nặng" cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.

Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa đi vào thực hiện song cũng gặp phải vấn đề phát sinh và đã có những đề xuất sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng hỗ trợ. Bên cạnh đó, dù có đề cập đến nhiều lĩnh vực mới để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nhưng các thông tin, số liệu chính thống phục vụ cho đánh giá chính sách ở các mảng lĩnh vực này hiện còn thiếu rất nhiều.

Từ những bất cập đó, tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh đề xuất một số giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến việc cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022), ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Giai đoạn 2 (đến hết 2023), sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp; Giai đoạn 3 (sau 2023), bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Cho rằng việc mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước, linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh “sống chung với dịch” khi người dân và người lao động đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19.

Thu Uyên (Tổng hợp)