Đẩy mạnh mua lại công ty chứng khoán, các ngân hàng đang toan tính điều gì?
Xu hướng tích hợp ngân hàng và công ty chứng khoán tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ khi hàng loạt nhà băng liên tiếp công bố kế hoạch mua lại hoặc góp vốn chi phối vào các công ty chứng khoán.
Đẩy mạnh mua lại công ty chứng khoán
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đồng loạt trình lên Đại hội cổ đông năm 2025 phương án đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, cho thấy tham vọng mở rộng toàn diện hệ sinh thái tài chính trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng giữ vai trò chủ đạo.
Theo tài liệu đại hội, SeABank dự kiến mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (Asean Securities) để đưa doanh nghiệp này trở thành công ty con của ngân hàng. Kế hoạch được thực hiện trong năm 2025, tùy thuộc vào chấp thuận từ cơ quan quản lý và điều kiện thị trường.
Asean Securities là công ty chứng khoán được thành lập từ năm 2006, hiện có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Việc trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp chứng khoán sẽ giúp SeABank tận dụng được lợi thế về công nghệ, dữ liệu khách hàng, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, môi giới, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, quản lý tài sản và kênh phân phối dịch vụ tài chính toàn diện.

Tương tự, MSB cũng trình cổ đông phương án đầu tư vào một hoặc nhiều công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ để thành lập các công ty con. MSB đang trong quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp và kỳ vọng hoàn tất giao dịch trong năm 2025 hoặc phù hợp với quy định pháp luật.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho rằng đây là bước đi chiến lược nhằm đưa MSB tiếp cận sâu hơn vào thị trường vốn, qua đó tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính trọng gói như ngân hàng đầu tư, quản lý quỹ và tài sản. Mục tiêu dài hạn là xây dựng một định chế tài chính đa năng, tương tự mô hình của các ngân hàng hàng đầu khu vực.
Cả SeABank và MSB đều khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc dẫn vốn cho nền kinh tế trong các năm tới, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi vào năm 2025 và đạt tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 120% GDP vào năm 2030. Các ngân hàng vì thế đang có xu hướng đầu tư toàn diện vào hệ sinh thái tài chính, không chỉ dừng lại ở hoạt động tín dụng truyền thống mà còn bao trùm cả các lĩnh vực chứng khoán và quản lý tài sản.
Thực tế, làn sóng các ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Từ năm 2016, VPBank đã từng là cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán VPS, trước khi mua lại Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), đồng thời rót vốn nâng quy mô lên 15.000 tỷ đồng.
Tương tự, ACB sở hữu 100% Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và đang trong lộ trình tăng vốn cho công ty này lên 10.000 tỷ đồng. Techcombank sở hữu hơn 94% Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), còn TPBank cũng đã hoàn tất mua lại Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) và nắm 9% tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Các ngân hàng lớn khác như Vietcombank, MB, Agribank cũng sở hữu trực tiếp các công ty chứng khoán mang thương hiệu riêng như VCBS, MBS và Agriseco.
Ngân hàng toan tính điều gì?
Sự hiện diện ngày càng dày đặc của các công ty chứng khoán do ngân hàng sở hữu cho thấy xu hướng tích hợp đang dần trở thành chuẩn mực trong chiến lược mở rộng của các nhà băng.
Đây không chỉ là cách để đa dạng hóa nguồn thu mà còn là công cụ hữu hiệu để thu hút và giữ chân khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có quy mô lớn – những đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, đầu tư và quản lý tài sản đồng bộ trong cùng một hệ sinh thái.
Đồng thời, các ngân hàng có thể chủ động tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kênh phát hành riêng lẻ, tư vấn IPO, M&A… thay vì chỉ giữ vai trò tài trợ tín dụng như trước đây.
Về mặt vĩ mô, việc các ngân hàng thương mại đầu tư vào công ty chứng khoán cũng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững cho thị trường tài chính Việt Nam.
Sự tham gia của các định chế tài chính lớn với tiềm lực mạnh sẽ nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, gia tăng thanh khoản và tính minh bạch của thị trường. Đây là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam hiện thực hóa tham vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới, qua đó thu hút thêm dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế, đặc biệt từ các quỹ ETF và tổ chức tài chính lớn trên thế giới.
Không chỉ là xu hướng thời thượng, việc các ngân hàng như SeABank, MSB tiến bước vào lĩnh vực chứng khoán còn cho thấy tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển toàn diện của ngành ngân hàng hiện đại. Mô hình tích hợp ngân hàng – chứng khoán – quản lý tài sản đang dần định hình tại Việt Nam, hứa hẹn thay đổi cục diện hệ sinh thái tài chính trong thập kỷ tới.