Đẩy mạnh kế hoạch sản xuất 3.000 xe tăng mỗi năm
Quốc gia này lên kế hoạch sản xuất 3.000 xe tăng mỗi năm vào năm 2035, tập trung vào T-90M, T-80 mới và công nghệ từ T-14 Armata.
Mục tiêu sản xuất 3.000 xe tăng mỗi năm
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất xe tăng, hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: sản xuất 1.000 xe mới vào giữa năm 2028 và đạt khoảng 3.000 chiếc/năm vào năm 2035. Thông tin này được Nhóm Tình báo Xung đột (Conflict Intelligence Team) công bố trong báo cáo mới nhất, phản ánh xu thế tái trang bị quy mô lớn cho quân đội Nga sau nhiều năm cắt giảm.

Trong thập niên 2010, Nga chỉ mua trung bình khoảng một xe tăng mỗi năm, bất chấp việc các nhà máy vẫn sản xuất hơn 80 chiếc, chủ yếu để xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát đầu năm 2022, sản lượng xe tăng đã tăng hơn gấp ba lần. Ước tính, trong năm 2024, Nga đã sản xuất khoảng 280–300 xe tăng và dự kiến con số này tiếp tục tăng mạnh.
Đà tăng sản xuất không chỉ nhằm bù đắp tổn thất trên chiến trường mà còn được Moscow coi là động thái chiến lược để đối phó việc phương Tây tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Theo giới phân tích, nếu đạt được kế hoạch sản xuất 3.000 xe tăng/năm, Nga sẽ trở lại gần mức công suất thời kỳ Liên Xô – khi nước này từng sản xuất khoảng 4.000 chiếc/năm.
T-90M, T-80 và T-14 Armata: Trọng tâm hiện đại hóa
Hiện tại, Nga chỉ còn duy nhất nhà máy Uralvagonzavod đảm nhận sản xuất xe tăng mới. Nhà máy này từng là một trong ba cơ sở lớn nhất Liên Xô, chuyên sản xuất dòng T-72. Sau khi Liên Xô tan rã, Bộ Quốc phòng Nga lựa chọn T-72 làm nền tảng hiện đại hóa nhờ chi phí thấp, độ tin cậy cao. Từ đây, biến thể T-72BU được phát triển và đổi tên thành T-90.
T-90M hiện là mẫu xe tăng được Nga ưu tiên sản xuất nhiều nhất. Trong năm 2025, dự kiến khoảng 400 chiếc T-90M sẽ được xuất xưởng, phục vụ cả lực lượng lục quân và lực lượng dự bị. So với các phiên bản trước, T-90M được đánh giá có khả năng sống sót tốt hơn nhờ giáp phản ứng nổ thế hệ mới và các thiết bị điện tử cải tiến.

Bên cạnh T-90M, Nga đã khởi động quá trình khôi phục dây chuyền sản xuất dòng T-80 tại nhà máy Omsktransmash. Đây là dòng xe tăng nổi tiếng với động cơ tua-bin khí, từng được coi là phương tiện chiến đấu hiện đại bậc nhất của Liên Xô. Từ năm 1995, T-80 gần như ngừng sản xuất hoàn toàn, chỉ còn một số hoạt động nâng cấp nhỏ.
Đến tháng 4/2024, động cơ tua-bin khí đặc chủng dành cho T-80 đã được tái sản xuất thành công – dấu mốc quan trọng mở đường cho khôi phục toàn bộ dây chuyền chế tạo. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về quy mô và tiến độ dự án này, bởi chuỗi cung ứng linh kiện phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao sau gần 3 thập kỷ gián đoạn.
Cùng với T-90 và T-80, chương trình xe tăng T-14 Armata vẫn tồn tại nhiều ẩn số. Mẫu xe này từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng của xe tăng thế hệ mới, nhưng quá trình phát triển kéo dài nhiều năm và chưa hoàn thiện ổn định sản xuất hàng loạt. Một số nguồn tin cho rằng công nghệ tháp pháo không người lái và hệ thống điều khiển điện tử của T-14 sẽ được tích hợp lên các biến thể T-80 và T-90 nâng cấp.
Nhiều thách thức tồn tại
Dù mục tiêu sản xuất 3.000 xe tăng/năm được coi là tham vọng, giới phân tích quốc tế vẫn đặt câu hỏi về năng lực tài chính và công nghệ của Nga. Ngân sách quốc phòng phải chia sẻ cho nhiều chương trình hiện đại hóa khác, trong khi thiệt hại về xe bọc thép kể từ năm 2022 đã vượt mức dự trữ của nhiều lữ đoàn thiết giáp.
Thêm vào đó, các biện pháp cấm vận từ phương Tây đã khiến một số linh kiện điện tử và quang học khó nhập khẩu hơn. Nga đang nỗ lực phát triển nguồn cung trong nước hoặc tìm nguồn thay thế từ các đối tác, song quá trình này cần thêm thời gian.
Nếu thành công khôi phục đồng thời T-80 và duy trì T-90M, cùng với việc tích hợp công nghệ từ T-14, Nga có thể sở hữu đội hình xe tăng hiện đại đáng kể trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, quy mô sản xuất và khả năng triển khai thực tế vẫn là ẩn số lớn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.