Đầu tư Quảng Xương Center: Doanh nghiệp 10 tháng tuổi quyết theo đuổi dự án 1.230 tỷ đồng tại Thanh Hóa

Cập nhật: 16:17 | 19/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa vừa mở thầu Dự án Khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong và xã Quảng Đức (huyện Quảng Xương) lần hai, theo đó, Công ty CP Đầu tư Quảng Xương Center vẫn là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án.

Độc diễn ấn tượng

Dự án Khu đô thị mới Đông Tân Phong được xem là dự án trọng điểm của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa với diện tích thực hiện hơn 21ha; tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.230 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện không bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khoảng 1.191 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 38 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, Dự án xây thô hoàn thiện mặt trước 190 căn liền kề, 20 căn biệt thự; còn lại 264 lô đất liền kề, 24 lô đất biệt thự được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền và 7 lô đất tái định cư. Quy mô dân số dự án khoảng 2.700 người.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); người mua nhà ở gắn liền với đất được sử dụng ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật. Tiến độ thực hiện Dự án không quá 4 năm (kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư).

Bên cạnh quy mô tương đối ấn tượng, Dự án Khu đô thị mới Đông Tân Phong cũng sở hữu vị trí trung tâm huyện Quảng Xương - khu vực có địa lý thuận lợi, chỉ cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 10km và nằm giữa hai trung tâm du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa là TP. Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn. Huyện Quảng Xương luôn được đánh giá cao về tiềm năng du lịch biển, với đường bờ biển dài gần 13km, bãi biển đẹp.

Đầu tư Quảng Xương Center: Doanh nghiệp 10 tháng tuổi quyết theo đuổi dự án 1.230 tỷ đồng tại Thanh Hóa
Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu đô thị mới Đông Tân Phong

Là nhà đầu tư độc nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án cả hai lần, Công ty CP Đầu tư Quảng Xương Center (Quảng Xương Center) tiếp tục đứng trước cơ hội lớn khi không vấp phải bất kì sức ép cạnh tranh nào, và việc cần làm chỉ là đáp ứng được các tiêu chí cơ bản mà chính quyền tỉnh đặt ra.

Vậy nhưng trên thực tế, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư Quảng Xương Center vẫn là dấu hỏi lớn đối với dư luận, bởi lẽ doanh nghiệp đến nay mới có... 10 tháng tuổi. Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, Quảng Xương Center ra đời ngày 21/2/2022 tại trụ sở chính đặt trên xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài kinh doanh bất động sản là lĩnh vực cốt lõi, Quảng Xương Center còn đăng ký hàng loạt ngành nghề khác như làm đại lý xe ôtô, bán buôn máy vi tính, kinh doanh giáo dục các cấp và đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...

Vốn sáng lập của Quảng Xương Center tương đối khiêm tốn với 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là người đứng sau Quảng Xương Center chính là một "ông lớn" bất động sản lững lẫy đất Thái Nguyên - Tập đoàn Danko của Chủ tịch HĐQT Trần Hữu Sử. Vị doanh nhân sinh năm 1975 ngồi ghế cổ đông chi phối Quảng Xương Center với tỷ lệ sở hữu 96%, tương ứng giá trị cổ phần 48 tỷ đồng.

Hai cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Ninh (SN 1990) và bà Đỗ Thị Hoa (SN 1993) cùng nhau chia đôi số cổ phần còn lại. Trong đó, bà Hoa đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Đến ngày 7/7, tiệm cận thời điểm tỉnh Thanh Hóa quyết định mở thầu Dự án Khu đô thị mới Đông Tân Phong, Quảng Xương Center tăng vốn lên 210 tỷ đồng, tương ứng 17% tổng mức đầu tư của Dự án. Sau hai lần mở thầu, nhiều khả năng Quảng Xương Center sẽ được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đôi điều về Tập đoàn Danko, thương hiệu địa ốc có trên 10 năm hình thành và phát triển, đã định danh trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, phát triển các dự án bất động sản khu vực phía Bắc. Nhiều năm qua, Thái Nguyên là khu vực Tập đoàn Danko hoạt động mạnh mẽ nhất, với danh mục dự án đã và đang phát triển dày đặc, giá trị lớn, tiêu biểu là Dự án Khu đô thị Danko City (quy mô 50ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng) - nơi tổ chức vòng chung khảo toàn quốc của cuộc thi Miss World Vietnam 2022, do doanh nghiệp này đăng cai hồi tháng 4/2022.

Thời gian gần đây, Tập đoàn Danko bắt đầu "đổ bộ" xuống khu vực miền Trung, trọng tâm là tỉnh Thanh Hóa, quê hương của Chủ tịch Trần Hữu Sử. Từ quý I năm 2022, Tập đoàn Danko cùng với các đơn vị thành viên đã liên tiếp tham dự đấu thầu dự án lớn của địa phương, chẳng hạn như Dự án Khu đô thị Tây Nam đại lộ Nam Sông Mã 1 tại phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hoá.

Nhờ yếu tố thuận lợi không thể không nói đến là nhà đầu tư "độc diễn", Tập đoàn Danko sau đó được chọn là người thực hiện Dự án mang quy mô hơn 23ha, vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng này.

Câu chuyện "múa gậy vườn hoang" của Tập đoàn Danko không phải hiếm. Gần đây, giới đầu tư đã bị gây chú ý bởi thông tin Dự án Khu đô thị Yên Bình hơn 3.200 tỷ đồng ở TP. Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) được chỉ định cho Tập đoàn The Light - một doanh nghiệp non trẻ với vốn sáng lập 3 tỷ đồng làm chủ đầu tư.

Như Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã đưa tin, Tập đoàn The Light trước thềm mở thầu Dự án cũng đột nhiên tăng vốn lên 525 tỷ đồng, vừa đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn chủ sở hữu (501,9 tỷ đồng, tức 15% tổng mức đầu tư). Thời điểm trúng Dự án Khu đô thị Yên Bình, Tập đoàn The Light chỉ hơn 1 năm tuổi nghề.

Tuy nhiên, sẽ không lấy gì làm bất ngờ nếu quan sát kĩ lịch sử công tác của 2 cổ đông sáng lập Tập đoàn The Light: bà Hoàng Thị Lộc và ông Nguyễn Phú Hoàng. Theo tìm hiểu, đây đều là những nhân sự có thâm niên công tác trong Tập đoàn Danko.

Hé lộ tình trạng 'sức khỏe' của Tập đoàn Danko

Phục vụ cho chiến lược chiếm lĩnh thị trường địa ốc Thái Nguyên, cũng như cuộc "đổ bộ" xuống khu vực Thanh Hóa nhằm tăng sự hiện diện tại quê nhà ông Trần Hữu Sử, Tập đoàn Danko cần tăng quy mô nguồn vốn.

Năm 2012, xuất phát điểm với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trải qua nhiều đợt rót vốn mới ông Trần Hữu Sử và nhóm cộng sự đã nâng vốn điều lệ của Tập đoàn Danko lên 1.530 tỷ đồng vào năm 2020, tiếp tục vượt ngưỡng 2.250 tỷ đồng vào năm 2021.

Trong hai năm Covid, Tập đoàn Danko cũng tăng cường vay mượn, với nợ phải trả tăng lên 670 tỷ đồng (2020) và 1.813 tỷ đồng (2021), chủ yếu phát sinh từ nợ vay ngắn và dài hạn. Thậm chí, doanh nghiệp còn tận dụng cả việc thế chấp xe ôtô cho các nhà băng để có thể huy động tối đa nguồn vốn tín dụng.

Trái ngược với sự mở rộng nhanh chóng, kết quả kinh doanh những năm 2020-2021 của Tập đoàn Danko tỏ ra khá "đuối". Theo đó năm 2021, doanh thu thuần giảm 81% so với năm 2020 xuống còn 5,7 tỷ đồng. Không chỉ vậy, Tập đoàn Danko còn lâm vào cảnh kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp gần 900 triệu đồng, trong khi năm 2020 có lãi gộp 441 triệu đồng.

Chi phí vận hành tăng mạnh và doanh thu tài chính khi trở thành chiếc "phao cứu sinh" không thể thiếu. Nhờ nguồn thu tài chính tăng cao đột biến, Tập đoàn Danko vẫn có lãi sau thuế 716 triệu đồng, tăng trưởng hơn so với năm trước nhưng là quá thấp so với quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp.

Dòng tiền âm nặng suốt 6 năm là áp lực đè nặng lên bộ máy quản trị của doanh nhân Trần Hữu Sử. Năm 2020, dòng tiền trọng yếu âm kỉ lục 1.155 tỷ đồng, trong khi năm 2019 âm 565 tỷ đồng. Tình trạng vẫn tiếp diễn sang năm 2021, với giá trị âm lúc này là 565 tỷ đồng.

Vân Oanh

Tin cũ hơn
Xem thêm