Mô hình mới

Đầu tư bạc tỷ, nông dân Thái Nguyên dựng “trang trại lạnh” giữa lòng núi, mỗi năm lãi đều đều hàng trăm triệu

Tuấn Anh 15/05/2025 11:32

Nông dân Thái Nguyên đang khai thác hiệu quả tiềm năng của mô hình nuôi này, giúp nâng cao thu nhập và kết hợp phát triển du lịch vùng núi.

Phát triển từ lợi thế địa hình

Thái Nguyên sở hữu nguồn nước lạnh tự nhiên dồi dào, phân bố tại các địa phương như Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Mỹ Yên, Cát Nê (huyện Đại Từ), Phú Thượng, Dân Tiến (huyện Võ Nhai), Phú Đình (huyện Định Hóa)... Với điều kiện nhiệt độ nước dưới 20°C, khu vực này được xem là lý tưởng để nuôi trồng thủy sản nước lạnh – đặc biệt là cá tầm, loài cá có giá trị cao và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.

Nhiều hộ dân ở xã La Bằng (Đại Từ) đầu tư nuôi cá tầm, xây dựng nhà hàng phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực
Nhiều hộ dân ở xã La Bằng (Đại Từ) đầu tư nuôi cá tầm, xây dựng nhà hàng phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Từ năm 2010, một số nông dân tại xã La Bằng (Đại Từ), xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã đi tiên phong trong phát triển mô hình nuôi cá tầm. Ông Nguyễn Ngọc Thép, nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, là một trong những người đầu tiên thử nghiệm thành công. Ông cho biết: “Cá tầm dễ chế biến, có giá trị dinh dưỡng cao, đầu ra ổn định nên mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hộ nuôi có quy mô hợp lý”.

Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Dù có thế mang đến lợi nhuận hàng trăm triệu/năm nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, có thể lên đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi cơ sở. Đáng chú ý, các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã tự chủ được nguồn con giống, giảm giá thành và nâng cao chất lượng. Song song đó, thị trường thức ăn cho cá cũng phát triển mạnh, với các doanh nghiệp trong nước đáp ứng tới 95% nhu cầu, giá thành chỉ còn khoảng 30.000–40.000 đồng/kg – giảm gần một nửa so với một thập kỷ trước.

Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Thái Nguyên
Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Thái Nguyên (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, đến nay địa phương đã có khoảng 2.000 m² mặt nước nuôi cá nước lạnh. Mô hình này không chỉ tạo thu nhập ổn định cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông, du lịch tại các khu vực miền núi.

Các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng tại hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng (Thái Nguyên) hay cả Hà Nội đều có nhu cầu cao với nguồn cá tầm địa phương. Một số điểm du lịch còn triển khai mô hình tự nuôi – tự chế biến tại chỗ, kết hợp nông nghiệp với dịch vụ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Khó khăn và kiến nghị

Tuy vậy, việc phát triển cá tầm ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều thách thức. Việc khai thác nguồn nước lạnh chưa hiệu quả, chất lượng giống chưa đồng đều, trong khi tình trạng chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Biến đổi khí hậu, lũ ống, lũ quét, hạn hán… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nuôi cá nước lạnh.

Để hỗ trợ người dân, ông Vinh cho rằng, tỉnh cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, ưu tiên phát triển hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống quản lý từ con giống đến vệ sinh môi trường, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đất đai, bảo hiểm và ưu đãi tín dụng để khuyến khích mở rộng mô hình.

Người dân cũng được khuyến cáo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, đặc biệt khi mở rộng quy mô.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Đầu tư bạc tỷ, nông dân Thái Nguyên dựng “trang trại lạnh” giữa lòng núi, mỗi năm lãi đều đều hàng trăm triệu
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO