Đấu thầu tại Cao su Đà Nẵng (DRC): Gói thầu 37 tỷ đồng về tay Công ty Tuấn Huy

Cập nhật: 09:33 | 26/07/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói cung cấp và lắp đặt thiết bị điện động lực, điện chiếu sáng, chống sét, thuộc Dự án mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm.

Theo Quyết định 676/QĐ-DRC được Công ty CP Cao su Đà Nẵng công bố ngày 18/7/2023, trúng thầu là Công ty CP Kỹ thuật điện Tuấn Huy. Gói thầu này có giá 37.218.846.000 đồng, giá trúng thầu là 32.893.622.240,7 đồng. Thời gian thực hiện 371 ngày.

Gói thầu này mở thầu vào ngày 5/6/2023. Ngoài Công ty CP Kỹ thuật điện Tuấn Huy, có 4 nhà thầu khác tham gia gồm: Công ty CP Công nghiệp LME, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty CP Vinaconex 25 và Công ty CP Tập đoàn TOJI. Trong đó, chỉ có Công ty Tuấn Huy và Vinaconex 25 là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Tại cuộc ‘so găng’, Công ty Tuấn Huy với giá dự thầu tiết kiệm hơn, thời gian thực hiện ngắn hơn đã trúng gói thầu nêu trên.

Tuấn Huy là cái tên mới nhất trúng thầu tại Dự án nâng công suất nhà máy sản xuất lốp của Cao su Đà Nẵng
Tuấn Huy là cái tên mới nhất trúng thầu tại Dự án nâng công suất nhà máy sản xuất lốp của Cao su Đà Nẵng

Công ty CP Kỹ thuật điện Tuấn Huy thành lập năm 2005, trụ sở tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Doanh nghiệp này từng được công bố 24 gói thầu, chủ yếu tại Đà Nẵng.

Dù vậy tại TP Đà Nẵng, Công ty Tuấn Huy có vẻ kém tiếng hơn so với các ‘bại tướng’ tại gói thầu này như ‘ông kẹ’ Vinaconex 25 hay cả Công ty Hà Giang Phước Tường.

Gói thầu này nằm trong Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 916.082.586.762 đồng với tổng cộng 18 gói thầu. Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn tự có, vốn vay thương mại của DRC.

Trước khi công bố kết quả gói thầu này, DRC trước đó đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu một số gói khác thuộc dự án như: Cung cấp máy lưu hóa (Công ty TNHH thiết bị thông minh Tianhua Phúc Kiến; 73,5 tỷ đồng); Cung cấp máy thành hình (Công ty TNHH Công trình Cơ Điện Mesnac Thanh Đảo; 48,6 tỷ đồng); Xây dựng nhà xưởng (Công ty CP QH Plus, 74,8 tỷ đồng)…

DRC liên tiếp gặp cảnh ‘phú quý giật lùi’

Báo cáo tài chính quý II/2023 của DRC vừa công bố tiếp tục cho thấy tình hình kinh doanh kém sắc của ông lớn ngành săm lốp này.

Theo đó, doanh thu thuần quý II/2023 của Cao su Đà Nẵng đạt 1.161,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng đến 7,8%, lên mức 1.016,2 tỷ đồng, kéo nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 29,1% so với cùng kỳ, xuống còn 145,33 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của doanh nghiệp này cũng ghi nhận xu hướng đi lùi, với mức giảm 24,8%, chỉ đạt 13 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lãi từ tiền gửi thấp hơn so với cùng kỳ.

Điều này khiến DRC chỉ lãi sau thuế gần 51 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. DRC cho biết, sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn chưa phục hồi và tỷ trọng xuất khẩu trong tổng doanh thu tăng so với năm ngoái là những yếu tố gây ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp này.

6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận DRC giảm gần 50% so với cùng kỳ
6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận DRC giảm gần 50% so với cùng kỳ

Như vậy, Cao su Đà Nẵng đã có hai quý liên tiếp có kết quả kinh doanh đi lùi. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp này giảm 6,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2.274,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế bị kéo giảm tới 49%, chỉ đạt 76,32 tỷ đồng.

So với mục tiêu năm 2023 đạt 5.280 tỷ đồng doanh thu, kết thúc nửa đầu năm, Cao su Đà Nẵng đã hoàn thành được 43% kế hoạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp này còn cách rất xa với mục tiêu 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm, khi mới chỉ hoàn thành được 29% kế hoạch.

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng ghi nhận 3.124,3 tỷ đồng, giảm 8,6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 1.268,1 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 885,7 tỷ đồng, tương đương 28,3%; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 440,9 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản.

Nợ phải trả của DRC có giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn ở mức 1.383 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có khoản vay ngắn hạn hơn 542 tỷ đồng, còn lại tập trung ở khoản phải trả người bán ngắn hạn, với gần 470 tỷ đồng.

Để phục vụ dự án mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe Radial công suất lên 1 triệu lốp/năm mà bài viết đang đề cập, DRC dự kiến vay thêm 600 tỷ đồng từ Vietcombank. Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm tài sản hình thành từ chính dự án và các tài sản hợp lý khác.

Cao Thái

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm