Báo cáo - Phân tích

Dấu hiệu phục hồi kinh tế rõ rệt, NĐT nên thận trọng với rủi ro bên ngoài

Anh Vũ 11/05/2025 11:38

Kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực như FDI giải ngân cao nhất 5 năm, đầu tư công tăng tốc, xuất khẩu khởi sắc. Tuy nhiên, các rủi ro vĩ mô bên ngoài như tỷ giá, lãi suất quốc tế và căng thẳng thương mại khiến nhà đầu tư cần giữ tâm thế thận trọng khi phân bổ danh mục.

Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam sau 4 tháng đầu năm 2025 đang phát đi những tín hiệu tích cực trên nhiều khía cạnh như: Tiêu dùng nội địa cải thiện, đầu tư công tăng tốc, xuất nhập khẩu phục hồi hai chữ số và vốn FDI giải ngân đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định toàn cầu ngày càng lớn, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tâm thế thận trọng, đặc biệt khi đưa ra các quyết định phân bổ danh mục cho giai đoạn còn lại của năm.

ck (22)
Chính sách vĩ mô ổn định với mục tiêu GDP là 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 4,5% sẽ là tiền đề giúp TTCK duy trì tăng trưởng bền vững trong năm 2025

Theo phân tích từ Agriseco Research, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì đà tích cực nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa điều hành chính sách vĩ mô và cải thiện nội tại từ khu vực tiêu dùng lẫn đầu tư công. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, xuất nhập khẩu phục hồi ấn tượng, cho thấy sức bật trở lại của cả cầu nội địa và khu vực sản xuất. Đặc biệt, tiến độ giải ngân đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tới các lĩnh vực kinh tế liên quan và đóng vai trò là động lực tăng trưởng trọng yếu cho GDP.

fdi.jpg
Nguồn: MPI, Agriseco Research tổng hợp

Một điểm sáng đáng chú ý khác là dòng vốn FDI. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm trở lại đây, dấu hiệu cho thấy niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì, bất chấp những bất ổn từ bên ngoài. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2025 tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, củng cố thêm kỳ vọng vào sự phục hồi bền vững của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Chính phủ hiện duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8%, tăng trưởng tín dụng 16%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5% và điều hành tỷ giá linh hoạt. Những nền tảng này, kết hợp với mặt bằng lãi suất ổn định, đang tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Trên phương diện ngành nghề, cổ phiếu bán lẻ và tiêu dùng đang hưởng lợi trực tiếp từ sự cải thiện thu nhập và niềm tin tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện máy, thực phẩm – đồ uống, bán lẻ thiết yếu được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh thu với biên lợi nhuận cải thiện nhờ đầu vào ổn định. Ngành dịch vụ – du lịch cũng ghi nhận khởi sắc rõ rệt nhờ mùa cao điểm du lịch, với nhóm cổ phiếu hàng không, khách sạn và lữ hành được dự báo sẽ tiếp tục hấp dẫn dòng tiền.

Đầu tư công tiếp tục là động lực dẫn dắt thị trường, đặc biệt là các nhóm xây dựng, hạ tầng, vật liệu và bất động sản hưởng lợi từ giải ngân công. Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp từ phát triển hạ tầng, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Long An, Đồng Nai...

dautucong.jpg
Nguồn: Bộ Tài chính, GSO, Agriseco Research

Dù vậy, bức tranh vĩ mô không hoàn toàn màu hồng. Thách thức lớn nhất đến từ bên ngoài, khi tỷ giá USD/VND vẫn đang neo ở vùng cao, gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, làm giảm dư địa nới lỏng lãi suất. Đây là yếu tố đang tác động mạnh đến dòng vốn nước ngoài – vốn đã rút ròng 1,6 tỷ USD từ đầu năm.

tyia.jpg
Nguồn: Fiinpro, Agirseco Research

Bên cạnh đó, mối đe dọa từ việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với một số mặt hàng Việt Nam tiếp tục phủ bóng lên triển vọng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm ngành dệt may, gỗ và điện tử. Không chỉ gây khó khăn trong việc duy trì đơn hàng, điều này còn ảnh hưởng dây chuyền tới dòng vốn FDI mới, bất động sản công nghiệp và logistics.

Về trung – dài hạn, Agriseco vẫn duy trì góc nhìn lạc quan khi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư chất lượng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất xanh và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị phức tạp, cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đang khiến dòng vốn vào các thị trường mới nổi như Việt Nam có phần dè dặt. Những yếu tố này đòi hỏi nhà đầu tư phải theo dõi sát các tín hiệu vĩ mô, chính sách tiền tệ toàn cầu và xu hướng điều hành từ các ngân hàng trung ương lớn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Dấu hiệu phục hồi kinh tế rõ rệt, NĐT nên thận trọng với rủi ro bên ngoài
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO