e magazine
Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, gánh vác nghiệp lớn

10:10 | 13/10/2023

Dưới áp lực phải vượt qua “cái bóng” của cha mẹ, những doanh nhân thuộc thế hệ kế cận này đã chứng minh bản thân là những người thừa kế sáng giá khi liên tục tạo ra những dấu ấn khác biệt, góp phần đưa phát triển cơ ngơi của gia đình.
Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, gánh vác nghiệp lớn

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, gánh vác nghiệp lớn

Dưới áp lực phải vượt qua “cái bóng” của cha mẹ, những doanh nhân thuộc thế hệ kế cận này đã chứng minh bản thân là những người thừa kế sáng giá khi liên tục tạo ra những dấu ấn khác biệt, góp phần đưa phát triển cơ ngơi của gia đình.

“Tổng tài” hot nhất ngành ngân hàng Trần Hùng Huy

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai của “đại gia” ngành ngân hàng Trần Mộng Hùng – một trong những cổ đông sáng lập của ACB và bà Đặng Thị Thu Thuỷ, cũng là một thành viên HĐQT của nhà băng này.

Được biết, ông Trần Hùng Huy tốt nghiệp cử nhân 3 chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính và Kinh doanh quốc tế vào năm 2000, sau đó tiếp tục học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ). Năm 2002, tốt nghiệp Thạc sĩ, ông Huy trở về nước, âm thầm nộp đơn thi tuyển làm nhân viên tại ACB mà không nói với gia đình. Làm ở ngân hàng của gia đình được 3 năm, ông trở lại Mỹ du học. Đến năm 2008, sau khi lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Golden Gate, ông Trần Hùng Huy trở lại ACB, trải qua nhiều vị trí khác nhau tại nhà băng này như Chuyên viên nghiên cứu thị trường, Giám đốc Marketing rồi Phó tổng giám đốc.

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, kế thừa và đổi mới

Năm 2012 - năm được coi là “đại hạn” của ngành ngân hàng, sau “biến cố bầu Kiên”, trong bối cảnh “chiếc ghế” Chủ tịch của Ngân hàng ACB bị bỏ trống và dường như không có ai muốn nhận, ông Trần Hùng Huy được đưa lên vị trí cao nhất. Ông Huy cũng là Chủ tịch HĐQT trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Nhận nhiệm vụ dẫn dắt cả một ngân hàng đang trong giai đoạn khủng hoảng ở độ tuổi quá trẻ, thời điểm đó vị Chủ tịch sinh năm 1978 nhận về không ít sự hoài nghi. Thế nhưng, sau đó, ông Trần Hùng Huy đã khẳng định được năng lực của mình khi “chèo lái” ACB qua cơn “sóng dữ”. Ngay trong quý đầu tiên sau khi ông Huy nhậm chức, ACB đã giảm lỗ và có lãi trở lại trong năm sau đó. ACB dần dần nâng triển vọng tín nhiệm từ “tiêu cực” lên “ổn định” và đến giai đoạn 2017 – 2018 thì bắt đầu “nhảy vọt”.

Không chỉ thắng lớn trong kinh doanh, Chủ tịch Trần Hùng Huy được cho là đã “thổi một làn gió” mới cho ACB với hình ảnh một ngân hàng trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và có trách nhiệm với cộng đồng. Ông Huy cũng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tiên phong trong tư duy kinh doanh đổi mới, trực tiếp dẫn dắt ACB trở thành ngân hàng tiên phong về định hướng ESG.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng là một trong những doanh nhân có độ nhận diện cao trong công chúng. Gần đây nhất, với màn biểu diễn đàn, hát, nhảy trong tiệc kỷ niệm 30 năm thành lập ACB gây “bão” mạng xã hội, “tổng tài” này không chỉ thu về hàng nghìn lượt follow trên mạng xã hội mà còn giúp điểm nhận thức về quảng cáo của ACB tăng tới 7,6 điểm phần trăm.

Hiện tại, Chủ tịch Trần Hùng Huy là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tước tính, tổng tài sản của ông Huy rơi vào hơn 2.900 tỷ đồng.

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, kế thừa và đổi mới

Shark Đặng Hồng Anh

Doanh nhân Đặng Hồng Anh sinh năm 1980, là con trai của con trai của “vua mía đường” Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công và bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.

Hiện tại, vị doanh nhân này được công chúng biết đến nhiều nhất với danh xưng “Shark Hồng Anh”, sau khi tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa 2. Tuy nhiên, trước khi “gây sốt” trên sóng truyền hình, ông Hồng Anh đã nổi tiếng trên thương trường với tư cách là một doanh nhân trẻ thành đạt, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại những doanh nghiệp lớn và thường xuyên nằm ở vị trí cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình “trâm anh thế phiệt”, mặc dù sẵn có bệ phóng nhưng Shark Hồng Anh vẫn có tư duy tự xây dựng sự nghiệp riêng. Năm 18 tuổi, ông Hồng Anh khởi nghiệp với một cửa hàng bánh canh với số vốn khởi đầu chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng, tự mình thực hiện công việc của cả ông chủ và nhân viên. Bên cạnh đó, vị doanh nhân này cũng từng có khoảng thời gian theo đuổi con đường thi đấu tennis chuyên nghiệp và giành chức vô địch Giải 16 tay vợt xuất sắc toàn quốc.

Gác lại sự nghiệp thể thao, năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học Hùng Vương, ông Hồng Anh bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Thành Thành Công với chức vụ Phó Giám đốc. Cũng trong năm 2004, ông Hồng Anh thành lập Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, nay là TTC Land, HOSE: SCR) trên cơ sở hợp nhất trung tâm giao dịch bất động sản của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) mà cha ông lúc này đang làm Chủ tịch. Theo đó, ở độ tuổi 25, ông Hồng Anh đã trở thành Chủ tịch sáng lập của TTC Land. Đáng nói, đây được coi là một bước tiến ra ngoài “vùng an toàn” của ông Hồng Anh khi gia đình vốn không có truyền thống kinh doanh bất động sản. Sau đó, ông đã biến TTC Land nhỏ bé với số vốn 11 tỷ đồng trở thành một doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trong cuộc IPO năm 2016 và đến nay, con số này vượt mốc 3.000 tỷ.

Năm 2017, ông Hồng Anh bắt đầu gây dựng đế chế riêng với việc thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA, hoạt động trong bốn lĩnh vực chính là bất động sản, y tế, văn hoá và thể thao.

Hiện tại, ông Hồng Anh đang nắm giữ 40 triệu cổ phiếu SCR và 9,7 triệu cổ phiếu STB, tương đương tổng tài sản là 597 tỷ đồng. Ông Hồng Anh Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam từ năm 2018.

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, kế thừa và đổi mới

“Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My

Trong khi ông Đặng Hồng Anh có xu hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động cho “đế chế” kinh doanh của gia đình thì em gái ông là bà Đặng Huỳnh Ức My lại tập trung đi vào chiều sâu. Nữ doanh nhân sinh năm 1981, thường được gọi với nickname “công chúa mía đường” hiện đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, nay là TTC Agri S, HOSE: SBT).

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và tài chính ở Đại học Preston, New Zealand, bà Đặng Huỳnh Ức My từng có thời gian làm việc trong ngân hàng ANZ, trước khi trở về tiếp quản nối nghiệp mẹ trong mảng mía đường.

Năm 2006, cũng ở độ tuổi 25, bà Ức My đã được giao nhiều trọng trách như Phó giám đốc điều hành, Phó tổng giám đốc thường trực Thành Thành Công. Đến tháng 7/2009, bà trở thành nữ Tổng giám đốc trẻ tuổi nhất trong Tập đoàn vào năm 28 tuổi. Từ tháng 4/2012 - 2/2015, “công chúa mía đường” đảm nhận thêm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh. Đến tháng 10/2019, bà được bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch HĐQT TTC Agri S.

Tại TTC Agri S, không chỉ đơn thuần nhận chuyển giao từ mẹ, bà Đặng Huỳnh Ức My đã có nhiều đóng góp lớn, đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Trong năm tài chính 2021 – 2022, sau khi thay đổi nhận diện thương hiệu với tên thương mại Agri S, bà Ức My cũng định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp thương mại dịch vụ - xuất nhập khẩu, hướng đến chuỗi giá trị toàn diện và nông nghiệp bền vững.

Đến nay, AgriS thuộc nhóm doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp, chiếm gần 50% thị phần ngành đường, đồng thời xuất khẩu sản phẩm đến hơn 29 quốc gia. Đây cũng cũng là doanh nghiệp mía đường duy nhất có mặt trong rổ chỉ số VNSI20 - Top 20 cổ phiếu có điểm Phát triển bền vững cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên thương trường, tên tuổi bà Đặng Huỳnh Ức My còn gắn liền với những thương vụ M&A đình đám.

Hiện tại, bà Ức My đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Agri S khi nắm giữ hơn 112 triệu cổ phiếu, tương đương 16,66% vốn điều lệ. Tính theo thị giá trên sàn, tài sản của nữ doanh nhân này lên tới 1.630 tỷ đồng.

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, kế thừa và đổi mới

Đào Hữu Duy Anh - Con trai “ông trùm” hoá chất Đức Giang

Ông Đào Hữu Duy Anh sinh năm 1988, là con trai ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Công ty CP Hoá chất Đức Giang (HOSE: DGC). Là “con nhà nòi”, thừa hưởng niềm đam mê từ cha, ông Duy Anh theo học ngành hoá chất và tốt nghiệp Thạc sỹ Hoá học Đại học Cambridge, Anh.

Ông Duy Anh từng chia sẻ, trước khi đi du học, ông đã “được” cha cho làm công nhân xây dựng tại nhà máy của gia đình tại Long Biên. Du học rồi, những “công việc thực tập” của ông vẫn được tiếp tục vào mỗi khi về nước nghỉ hè. Thậm chí, mùa hè năm 2009, khi Hoá chất Đức Giang thành lập công ty con tại Lào Cai, mặc dù nắng nóng lên tới 40 độ C, theo lời cha, ông Duy Anh vẫn phải làm công nhân đổ bê tông rồi sau đó công nhân ở xưởng nguyên liệu.

Trở về nước, ông Duy Anh có được công việc chính thức đầu tiên, đó là làm trợ lý cho cha. Năm 25 tuổi, ông được bổ nhiệm lên vị trí Phó tổng giám đốc. Đến tháng 3/2020, ông Duy Anh chính thức giữ chức Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang.

Tại Hoá chất Đức Giang, với lợi thế về ngoại ngữ và kiến thức chuyên sâu, ông Duy Anh ban đầu phụ trách mảng xuất khẩu. Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân trẻ, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Trong giai đoạn 2019 – 2021, mảng này luôn chiếm 72-78% cơ cấu doanh thu của Hoá chất Đức Giang.

Dưới thời Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh, Hoá chất Đức Giang là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công CloraminB khử khuẩn. Đây là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ với doanh nghiệp này mà còn cả ngành hoá chất Việt Nam. Tháng 4/2020, thời điểm bùng dịch Covid-19, giá 1kg CloraminB thậm chí lên tới hơn 500.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường chỉ 200.000 đồng/kg, thị trường rơi vào tình trạng thiếu cung trầm trọng vì đa phần phải nhập khẩu. Việc Hoá chất Đức Giang sản xuất thành công nguyên liệu này đã mở ra một thời kỳ tự chủ cho ngành hoá chất.

Hiện tại, ông Đào Hữu Duy Anh đang nắm 11 triệu cổ phiếu DCG, tương đương tài sản ở mức 1.089 tỷ đồng.

Dấu ấn thế hệ doanh nhân F2: Tuổi trẻ tài cao, kế thừa và đổi mới

Lê Thu Thủy – Ái nữ nhà “Madame” Nguyễn Thị Nga

Bà Lê Thu Thủy sinh năm 1983, con gái của “Madame” Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cũng là người nắm quyền cao nhất tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB), được biết đến là “bóng hồng” duy nhất trong danh sách thế hệ F2 ngành ngân hàng.

Được biết, bà Thuỷ sở hữu hai bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng của Đại học George Mason, Mỹ. Sau khi học xong đại học, bà Lê Thu Thủy hoạt động thêm một thời gian ở Mỹ rồi mới trở về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp của gia đình.

Năm 2009, khi mới 26 tuổi, bà Thuỷ được bầu làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank. Hai năm sau đó, nữ doanh nhân nắm chức Quyền Tổng giám đốc SeABank. Năm 2013, bà Thuỷ xuống làm Phó tổng giám đốc.

Đến năm 2018, sau khi người mẹ quyền lực Nguyễn Thị Nga rời vị trí Chủ tịch SeABank, bà Lê Thu Thuỷ được giao trọng trách điều hành nhà băng này với vị trí Tổng giám đốc.

Cũng từ đây, bà Lê Thu Thuỷ đã khẳng định tên tuổi trên thương trường khi tạo nên một loạt những biến chuyển tích cực của SeABank, từ vốn cho đến hoạt động kinh doanh.

Tháng 12/2020, SeABank hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng rồi niêm yết trên HOSE vài tháng sau đó.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, dưới thời Tổng giám đốc Lê Thị Thuy Thuỷ, SeABank đã có sự tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ, tổng tài sản cũng như lợi nhuận. Cụ thể, tổng tài sản tăng từ mức 141.000 tỷ đồng năm 2018 lên mức 230.000 tỷ đồng vào năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2019, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vốn vừa trải qua một thập kỷ tái cấu trúc đau đớn và đầy mất mát, SeABank báo sạch nợ, hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Forbes từng đánh giá: “Tại SeABank, Lê Thu Thuỷ để lại dấu ấn lớn trong quá trình ngân hàng này chuyển mình theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Bà đồng thời là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước, như PV Gas, Mercedes-Benz".

Ngày 11/07/2022, bà Thủy chính thức thôi làm Tổng giám đốc SeABank song vẫn nằm trong ban quản trị cấp cao với chức danh Phó Chủ tịch.

Hiện tại bà Thủy đang nắm giữ 48 triệu cổ phiếu SSB, tương đương tổng tài sản ở mức 1.218 tỷ đồng.

Thái Hà