Đất nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới chính thức khai phá kho báu dầu khí hơn 100 triệu tấn
Trung Quốc vừa công bố phát hiện một mỏ dầu khí khổng lồ với trữ lượng vượt 100 triệu tấn tại khu vực ngoài khơi Thâm Quyến.
Theo Tân Hoa Xã, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vừa chính thức thông báo phát hiện một mỏ dầu khí mới với trữ lượng vượt mức 100 triệu tấn, có tên gọi Huizhou 19-6. Mỏ này tọa lạc tại bờ biển thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) khoảng 170 km, ở độ sâu trung bình 100 mét dưới mực nước biển.

Đây là mỏ dầu clastic (mảnh vụn đá trầm tích) tích hợp quy mô lớn đầu tiên được Trung Quốc phát hiện ở các lớp sâu đến cực sâu – vốn được xem là thách thức lớn trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi. CNOOC cho biết, hoạt động khoan thử nghiệm tại khu vực này mang lại sản lượng ban đầu ấn tượng: 413 thùng dầu thô mỗi ngày và 68.000 mét khối khí đốt tự nhiên.
Theo ông Peng Guangrong, nhà địa chất học của CNOOC, hơn 60% các phát hiện dầu khí mới trên toàn cầu hiện nay đến từ các lớp sâu. Điều này cho thấy xu hướng khai thác đang dần dịch chuyển từ các mỏ truyền thống sang các khu vực địa chất phức tạp, đòi hỏi công nghệ tiên tiến và đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, việc thăm dò và khai thác dầu khí tại các lớp sâu đến cực sâu không hề đơn giản. Các mỏ clastic có độ thấm thấp, khiến quá trình khai thác khó khăn hơn. Ngoài ra, điều kiện tại khu vực biển sâu như nhiệt độ cao, áp suất lớn và nền địa chất phức tạp cũng đặt ra những rào cản lớn về mặt kỹ thuật.
Dù vậy, với tiềm năng tài nguyên dồi dào và mức độ thăm dò còn thấp, các chuyên gia tin rằng đây sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trữ lượng và sản lượng dầu khí của Trung Quốc trong thời gian tới.
Trong phát biểu mới nhất, CEO CNOOC – ông Zhou Xinhuai – cho biết đây là một trong những “động cơ tăng trưởng mới” cho ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc. Ông cho biết, trong hai năm qua, một số mỏ dầu với trữ lượng lên tới hàng trăm triệu tấn đã được phát hiện tại đây, khẳng định tiềm năng to lớn của vùng biển này.
Đầu tháng này, CNOOC cũng bắt đầu sản xuất từ hai dự án lớn khác là Caofeidian 6-4 và Wenchang 19-1 Giai đoạn II. Cả hai đều là một phần trong chiến lược tăng tốc phát triển nguồn lực năng lượng trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu – một mục tiêu chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với phương Tây và cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược an ninh năng lượng. Nước này hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng cũng đang dần đạt tới ngưỡng bão hòa về nhu cầu khi các xu hướng xanh và tiết kiệm năng lượng lên ngôi.
Theo dự báo, nhu cầu dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào đầu năm tới, sau đó chững lại khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh nhường chỗ cho xe điện, tàu chạy bằng hydro và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Việc phát hiện mỏ dầu Huizhou 19-6 không chỉ củng cố tham vọng tự lực về năng lượng của Trung Quốc mà còn có thể tạo ra các biến chuyển lớn trong cấu trúc cung – cầu dầu khí ở khu vực Đông Á.
Dù mỏ dầu Huizhou 19-6 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, nhưng việc gia tăng hoạt động khai thác dầu khí luôn là chủ đề được các nước láng giềng quan tâm.
Từ góc độ kinh tế, nếu Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu dầu trong tương lai gần, các nước xuất khẩu dầu sang Trung Quốc sẽ phải tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, tạo ra những điều chỉnh trong cán cân thương mại và chiến lược năng lượng toàn cầu.