Chuyển động

Đại dự án nghìn tỷ của PVN tái vận hành sau 10 năm “đắp chiếu”, tạo đà cho chuyển đổi năng lượng xanh

Hồng Giang 18/07/2025 07:35

PVN tái khởi động dự án nghìn tỷ sau một thập kỷ ngưng trệ, đón đầu xu thế sử dụng nhiên liệu sinh học và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhà máy nghìn tỷ “đắp chiếu” hơn một thập kỷ vì thị trường ethanol trì trệ

Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất được khởi công năm 2009 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), do Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) làm chủ đầu tư.

Đây là một trong 3 nhà máy sản xuất ethanol quy mô lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng và công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol/năm, sử dụng sắn lát khô làm nguyên liệu.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất
Sau thời gian ngắn vận hành, Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất thua lỗ và ngừng hoạt động từ năm 2015

Tuy nhiên, sau thời gian vận hành thử năm 2012 và thương mại năm 2014, nhà máy nhanh chóng rơi vào thua lỗ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường ethanol trong nước chưa hình thành rõ nét.

Đến năm 2015, nhà máy chính thức ngừng hoạt động, rơi vào trạng thái “đắp chiếu” suốt hơn một thập kỷ, trở thành “điểm đen” trong ngành năng lượng tái tạo.

Sẵn sàng tái vận hành cuối 2025, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Theo thông tin từ Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung, kế hoạch tái vận hành nhà máy đã được xây dựng cụ thể. Dự kiến, quá trình sửa chữa và lắp đặt bổ sung thiết bị sẽ hoàn thành trong tháng 7-8/2025. Tháng 9 sẽ khởi động kỹ thuật, chạy thử vào tháng 10 và bước vào giai đoạn sản xuất thương mại từ tháng 11.

Đáng chú ý, hệ thống thu hồi CO₂ cũng được nâng cấp, nâng công suất thêm 40-50 tấn/ngày nhằm tăng hiệu quả vận hành và giảm phát thải. Toàn bộ chi phí tái khởi động được chia sẻ bởi công ty cùng các đối tác liên quan.

Việc tái vận hành nhà máy Dung Quất nằm trong chiến lược thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050.

Theo định hướng mới của Bộ Công Thương, kể từ ngày 1/1/2026, xăng E10 (pha 10% ethanol) sẽ được sử dụng bắt buộc trên phạm vi toàn quốc, áp dụng cho cả xăng RON 92 và RON 95, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm ethanol trong nước.

Như vậy, toàn bộ xăng thương mại trên thị trường bắt buộc sẽ phải chuyển sang loại E10. Với sản lượng tiêu thụ xăng trong nước khoảng 12-15 triệu m3/năm, nhu cầu ethanol để pha chế ước tính vào khoảng 1,2-1,5 triệu m3/năm. Hiện tại, năng lực sản xuất ethanol trong nước chỉ đạt khoảng 450.000 m³/năm, mới đáp ứng chưa đầy 40% nhu cầu pha chế E10.

Việc phục hồi nhà máy Dung Quất không chỉ giúp nâng tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu, mà còn giảm áp lực nhập khẩu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong tháng 8/2025, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HOSE: BSR) - đơn vị tiếp nhận quản lý nhà máy từ năm 2018 sẽ triển khai thử nghiệm pha chế xăng E10 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và phân phối thử đến các tỉnh miền Trung.

BSR xác định sản xuất ethanol là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược chuyển đổi xanh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, hướng tới phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Việc tái khởi động Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất được đánh giá là bước ngoặt trong tiến trình khơi thông điểm nghẽn hạ tầng sản xuất ethanol trong nước. Trước đó, mặc dù nhà máy từng được bàn giao lại cho BSR với nhiều nỗ lực sửa chữa và tìm kiếm thị trường, nhưng tình trạng xuống cấp và thiếu đầu ra khiến việc tái khởi động nhiều lần bị trì hoãn.

Hiện nay, với chính sách môi trường quyết liệt hơn và cam kết quốc gia về giảm phát thải, nhà máy Dung Quất có cơ sở để vận hành ổn định trở lại, góp phần tạo ra giá trị kinh tế thực sự thay vì trở thành “đống sắt vụn” hoang hóa như suốt hơn một thập kỷ qua.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Đại dự án nghìn tỷ của PVN tái vận hành sau 10 năm “đắp chiếu”, tạo đà cho chuyển đổi năng lượng xanh
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO