Đà Nẵng và hành trình chuyển mình thành điểm nóng đầu tư (Bài cuối): Kiến tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, niêm yết và hội nhập
Đà Nẵng định hướng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, “thành phố kiến tạo” thông qua hệ sinh thái chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất.
Tạo nền tảng từ chính sách thiết thực
Trong nhiều năm qua, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và khơi thông dòng vốn cho cộng đồng doanh nghiệp. Có thể kể đến Nghị quyết 84/2022/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 về hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án kinh tế – xã hội trọng điểm. Chính sách này cho phép các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư các dự án từ 3 tỷ đồng trở lên (tại huyện Hòa Vang) hoặc từ 10 tỷ đồng (ở các khu vực khác), với mức hỗ trợ lãi suất 3%/năm, tối đa 2 tỷ đồng mỗi năm trong vòng 5 năm.
.jpg)
Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng, môi trường, giáo dục, y tế, logistics, cảng biển và nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tạo điều kiện thông qua các kênh vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP nếu đáp ứng đủ tiêu chí.
Từ năm 2021, Đà Nẵng đã triển khai 18 chính sách địa phương, 38 chính sách Trung ương và hỗ trợ trực tiếp hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Gần 12.000 tỷ đồng cũng đã được miễn, giảm, gia hạn thuế, phí từ các chính sách Trung ương, thể hiện sự đồng hành mạnh mẽ trong bối cảnh hậu đại dịch.
Đặc biệt, để đón đầu xu hướng công nghiệp công nghệ cao, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 72/NQ-HĐND ngày 30/10/2024, bổ sung lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo vào danh mục ưu tiên cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển. Động thái này mở đường cho các dự án trung tâm kiểm thử vi mạch, trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm ươm tạo công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao – những lĩnh vực cốt lõi giúp thành phố đột phá trong giai đoạn mới.
Đà Nẵng cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy liên kết khu vực trong phát triển du lịch và kinh tế.
Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại sự kiện 'Gặp gỡ ASEAN 2025' tổ chức giữa tháng 4/2025.
Một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Đà Nẵng chính là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 82/KH-UBND ngày 29/3/2024 về hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2024–2026. Năm 2024, Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ 4,2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị và phát triển công nghệ. Cả giai đoạn, tổng mức hỗ trợ là hơn 12,1 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được xem xét hỗ trợ. Riêng nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ưu tiên nếu có sản phẩm từ công nghệ mới, giải pháp có tiềm năng tăng trưởng doanh thu tối thiểu 20% trong hai năm liên tiếp hoặc đạt giải thưởng khoa học – công nghệ quốc gia, quốc tế.
Trong quý 1/2025, TP đã cấp mới 657 DN với tổng vốn đăng ký 1.929 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngành bán buôn – bán lẻ chiếm tỷ lệ DN thành lập mới cao nhất (26,3%). Trong cùng kỳ, có 2.723 DN tạm ngừng hoạt động (tăng 2%), 574 DN quay lại (giảm 27,6%) và 118 DN giải thể (tăng 19,2%). Ngành có số DN giải thể nhiều nhất vẫn là bán buôn – bán lẻ, dù cũng là ngành có số thành lập mới cao nhất.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, thành phố cũng triển khai các chương trình đào tạo, kết nối chuỗi liên kết ngành, xúc tiến thị trường, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nội tại, tiếp cận vốn và đối tác chiến lược.
Xúc tiến thương mại, tìm ‘đầu ra’ cho doanh nghiệp
Tại sự kiện 'Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025' vừa diễn ra giữa tháng 4/2025, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định thành phố không chỉ là nơi tổ chức sự kiện đối ngoại mà còn là đối tác hành động, cùng xây dựng hợp tác hiệu quả và bền vững. Theo ông Chinh, Đà Nẵng cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế. Thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng cảng Liên Chiểu, triển khai khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, xúc tiến mở thêm đường bay ASEAN, đồng thời thúc đẩy liên kết khu vực trong phát triển du lịch và kinh tế.

Thời gian qua, song song với việc kiến tạo môi trường đầu tư và khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn, TP Đà Nẵng còn tích cực thúc đẩy “đầu ra” cho doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, từng bước thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển cũng như hội nhập với khu vực, quốc tế.
Trong năm 2024, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức hàng loạt hoạt động như hội chợ EWEC, các phiên kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm OCOP, phiên chợ hàng Việt và chương trình bán hàng qua livestream. Tiêu biểu, Ngày hội quảng bá sản phẩm tại Vincom Plaza thu hút 116.000 lượt xem, đạt hơn 400 đơn hàng. Livestream quảng bá sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Hội chợ EWEC 2024 thu hút hơn 12.000 lượt xem với hơn 240 đơn hàng được ghi nhận.
Theo bà Phan Như Yến – Giám đốc chuỗi siêu thị Danavimart, sự hỗ trợ từ chính quyền giúp nâng cao thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp nữ làm chủ. Từ hoạt động truyền thông đến các chương trình kết nối cung cầu đều đem lại kết quả rõ rệt, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận đối tác mới.
.jpg)
Năm 2025, thành phố định hướng xúc tiến thương mại theo chiều sâu, tránh dàn trải, tập trung vào thương mại điện tử, kết nối các nhà cung ứng có năng lực và hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống thích ứng với xu thế bán hàng hiện đại.
Song hành với xúc tiến thương mại, Đà Nẵng đẩy mạnh hội nhập kinh tế thông qua việc tận dụng ưu đãi từ các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Từ năm 2021 đến 2023, kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trung bình 5,9%/năm, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023. Nhiều doanh nghiệp, đã được hỗ trợ về chứng nhận chất lượng (HACCP, ISO 22000, HALAL…), đăng ký nhãn hiệu quốc tế, tham gia hội chợ tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những chương trình này giúp doanh nghiệp từng bước vươn ra toàn cầu.
Thúc đẩy niêm yết, lan tỏa minh bạch
Là đô thị lớn nhất miền Trung nhưng số lượng doanh nghiệp niêm yết tại Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn. Hiện thành phố có các doanh nghiệp lớn như Cao su Đà Nẵng (DRC), Cảng Đà Nẵng (CDN), Dệt may Hòa Thọ (HTG), Thuận Phước (THP), Đèo Cả (HHV)… đã niêm yết và hoạt động hiệu quả, minh bạch.
.jpg)
Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng – công cụ tài chính công quan trọng – đang đóng vai trò lớn trong việc tiếp vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Quỹ này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ mà còn là "bệ phóng" tài chính cho nhiều công ty đại chúng. Hội đồng quản lý quỹ này hiện có 5 người, Chủ tịch là ông Hồ Kỳ Minh, PCT UBND TP Đà Nẵng.
Một số doanh nghiệp niêm yết đang được Quỹ tài trợ vốn như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (THP), Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (DNE) với mức lãi suất ưu đãi 5,6%/năm. Ngoài ra, Danapha, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng... cũng là khách hàng vay vốn từ quỹ, triển khai các dự án sản xuất quan trọng trong lĩnh vực công – thương của thành phố.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trước đó, ông Lê Trường Kỹ – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2007–2008 từng có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp lên sàn, nhưng sau đó chính sách này không còn. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ông cho rằng cần có chính sách đồng hành mới để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn niêm yết, nâng cao năng lực quản trị và huy động vốn minh bạch.
Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng với hơn 700 thành viên đã có nhiều doanh nghiệp niêm yết như Danapha, Vinaconex 25, Din Capital… Hội tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về điều kiện, quy trình niêm yết, đồng thời thành lập câu lạc bộ giao thương quốc tế giúp hội viên kết nối nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng cơ hội phát triển toàn diện.
Theo lãnh đạo Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng, khi doanh nghiệp niêm yết, không chỉ tiếp cận vốn tốt hơn mà còn tạo điều kiện tăng cường hợp tác với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn, địa phương cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản – những đối tác đang hoạt động tích cực tại Đà Nẵng.
Quỹ Đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng được thành lập năm 2007, với chức năng huy động vốn, cho vay và đầu tư phát triển hạ tầng. Sau 18 năm hoạt động, Quỹ đã mở rộng quy mô, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các dự án an sinh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Quỹ nhiều lần được UBND TP tặng Cờ thi đua, Bằng khen và nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2022, 2023, ghi nhận những nỗ lực và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.