Đà Nẵng và hành trình chuyển mình thành điểm nóng đầu tư (Bài 5): Nơi hội tụ con người, thiên nhiên, công nghệ
Đà Nẵng hội tụ thiên nhiên, con người và công nghệ, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế – công nghệ cao khu vực với chính sách thu hút nhân tài vượt trội.
‘Núi trong lòng thành phố…’
Đầy đủ của câu trên sẽ là: ‘Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi, Đà Nẵng ơi tình người!’ – ca từ trong bài hát ‘Đà Nẵng tình người’ nổi tiếng của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thậm. Công dân Đà Nẵng (gồm cả những người đã định cư lâu đời ở thành phố này hay những người đến sau lập nghiệp và ở lại đây) ai cũng biết bài này, và luôn hát với tình cảm tha thiết và tự hào. Chỉ một câu trong bài hát vừa nêu cũng đã tóm gọn về sự đặc biệt, đủ đầy của Đà Nẵng, với vị trí, thiên nhiên, con người thực sự là những nguồn lực vô giá để thành phố thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Đà Nẵng giữ vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế khu vực nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống hạ tầng hiện đại. Thành phố nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây, kết nối trực tiếp từ Thái Lan, qua Lào đến cảng Đà Nẵng, trở thành cửa ngõ ra Thái Bình Dương và là trung tâm giao thương của khu vực ASEAN. Với sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu và cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để phát triển thương mại, hàng hải và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ đã dành cho Đà Nẵng nhiều cơ chế vượt trội, trong đó nổi bật là việc cho phép thí điểm khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Môi trường đầu tư tại đây minh bạch, thuận lợi, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tại sự kiện ‘Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025’ vừa diễn ra, Đại sứ Thái Lan và đại diện ASEAN đánh giá cao tiềm năng kết nối khu vực của Đà Nẵng, đặc biệt trong các lĩnh vực logistics, công nghiệp, giáo dục và du lịch.
Định hướng đến năm 2050, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành thành phố quốc tế thông minh, sinh thái, trung tâm đổi mới sáng tạo và tài chính của khu vực. Với cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Đà Nẵng đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn và bền vững của Việt Nam và ASEAN.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhận định thành phố đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 136 cho phép thành phố chủ động hơn trong xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và cải thiện môi trường đầu tư.
Đà Nẵng cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều
kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế khi đến với thành phố.Chủ tịch UBND Đà Nẵng - ông Lê Trung Chinh phát biểu hôm bế mạc 'Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng năm 2025'
Bên cạnh đó, chính quyền Đà Nẵng cũng luôn chú trọng cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố có nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và kỹ thuật. Đáng chú ý, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án FDI và sắp tới, Khu thương mại tự do sẽ tiếp tục mở ra cơ hội mới trong các ngành dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến, thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng cũng đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ. Mới đây, ngày 29/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo Đà Nẵng (DASC) nhân dịp khai giảng khóa đào tạo bán dẫn chuyên sâu đầu tiên. Tổng bí thư nhấn mạnh vai trò chiến lược của công nghệ cao trong phát triển kinh tế, đồng thời kỳ vọng Đà Nẵng không chỉ là trung tâm nghiên cứu mà còn trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu vi mạch cho thị trường quốc tế. Việc đầu tư 100 tỷ đồng vào hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại của DASC cho thấy quyết tâm của các đối tác như Vikki và Galaxy Holding trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế.

Theo ông Lê Văn Thành, Phó TGĐ Vikki, đây không chỉ là nỗ lực phát triển nhân lực ngành bán dẫn và AI mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào tài chính – ngân hàng. Sự kiện thể hiện rõ cam kết của Đà Nẵng và Trung ương trong việc chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghệ cao và thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.
Chính sách ‘chiêu hiền đãi sỹ’, thu hút người tài
Chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia và người nước ngoài của Đà Nẵng được triển khai đa chiều và linh hoạt, nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ trước năm 2000, thành phố đã sớm áp dụng chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm tuyển dụng đội ngũ cán bộ có trình độ cao vào khu vực công. Hơn 1.200 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy đã được tiếp nhận và bố trí công tác, góp phần trẻ hóa bộ máy hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công.
Lĩnh vực y tế, Đà Nẵng nổi bật với chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 95/2022, hỗ trợ từ 70 đến gần 300 triệu đồng cho mỗi bác sĩ được tuyển dụng. Tính đến năm 2024, Sở Y tế đã thu hút hàng trăm bác sĩ thông qua đề án đào tạo trong và ngoài nước, tạo nguồn lực chuyên sâu cho các cơ sở y tế công lập.

Năm 2024, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 57 về phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, AI với tổng kinh phí lên tới 873 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ lên tới 100 triệu đồng/tháng cho chuyên gia, cùng cơ chế tài chính, đất đai và đào tạo đồng bộ nhằm tạo nền móng cho hệ sinh thái công nghệ cao. Đà Nẵng đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao, thu hút ít nhất 20 doanh nghiệp vi mạch, trong đó có từ 1–2 doanh nghiệp kiểm thử và đóng gói.
Năm 2015, lần đầu tiên Thành ủy Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở. Kết quả, ông Vũ Quang Hùng đã được công bố trúng tuyển vào vị trí Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng. Hiện ông là Thành ủy viên, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng.
Song song, thành phố cũng tích cực thu hút người nước ngoài đến sinh sống và làm việc, với gần 30.000 người đang cư trú tại đây. Chính quyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ visa, giấy phép lao động cho chuyên gia, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, vinh danh đóng góp cộng đồng qua chương trình thường niên “Gặp mặt người nước ngoài dịp Tết”.
Nhờ chính sách thu hút nhân tài có chiều sâu, kết hợp giữa nội lực đào tạo và ngoại lực quốc tế, Đà Nẵng từng bước hình thành nền tảng nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố thông minh, hiện đại và đáng sống hàng đầu Việt Nam.