Đà Nẵng và hành trình chuyển mình thành điểm nóng đầu tưBài 3: Hạ tầng đột phá – Chìa khóa bứt tốc
Những cây cầu, đường vành đai, nút giao thông được đầu tư với quy mô hàng ngàn tỷ đồng đã định hình đô thị Đà Nẵng với hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Những ‘đại dự án’ thay đổi diện mạo Đà Nẵng
Trong nhiều năm liền, Đà Nẵng tập trung tối đa nguồn lực triển khai mạnh mẽ loạt dự án hạ tầng trọng điểm, từng bước thay đổi diện mạo đô thị và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Từ các nút giao thông hiện đại đến những khu công nghệ thông tin quy mô lớn, thành phố đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ của miền Trung.

Tháng 3/2022, Đà Nẵng đưa vào sử dụng nút giao thông khác mức phía Tây cầu Trần Thị Lý với tổng mức đầu tư hơn 723 tỷ đồng. Công trình không chỉ giải quyết điểm nóng giao thông mà còn tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị. Đây là một trong nhiều dự án hạ tầng lớn mà Đà Nẵng tập trung nguồn lực đầu tư, như hầm chui đường Trần Phú, hầm chui đường Nguyễn Tri Phương và trước đó là hệ thống các cây cầu hiện đại bắc qua sông Hàn.
Trên lĩnh vực giao thông kết nối, hàng loạt dự án đã và đang được triển khai như đường vành đai phía Tây giai đoạn 1, đường vành đai phía Tây 2, đường vành đai phía Nam, nút giao Ngã ba Huế… Hiện nay, các dự án đặc biệt được chú ý là cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối vào cảng đều đang được thi công đúng tiến độ. Đến cuối năm 2024, cảng Liên Chiểu đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng, đạt gần 62% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, tuyến đường ven biển nối cảng đạt 43,62% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Dự án đường vành đai phía Tây đoạn qua khu công nghệ thông tin tập trung cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dù gặp một số khó khăn trong điều phối đất. Đến tháng 2/2025, dự án đã đạt 20% khối lượng với giải ngân hơn 13 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan – một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam – có chiều dài hơn 11km, hiện đạt hơn 41% tiến độ và sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 8/2025. Công trình gồm hàng loạt hạng mục như cầu, hầm chui dân sinh và đường gom song hành hai bên.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, một trong những điểm sáng về hạ tầng công nghệ là Dự án Công viên Phần mềm số 2 – công trình quy mô gần 1.400 tỷ đồng được khởi công từ năm 2020 tại quận Hải Châu. Dự án bao gồm 3 tòa nhà với tổng diện tích sàn hơn 92.000m², được kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 6.000 lao động trong ngành công nghệ cao.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Đà Nẵng được Thủ tướng giao tại Quyết định 1508/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 là 8.720,6 tỷ đồng; chỉ tiêu của HĐND và UBND TP là 8.744,4 tỷ đồng.
UBND TP Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư năm 2025. Về tiến độ, đến 30/4/2025 giải ngân đạt 10%; đến 30/6/2025 đạt 30%; Đến 30/9/2025 đạt 50% ; Đến 31/12/2025 đạt 80% vàđến ngày 31/1/2026 trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Sau giai đoạn ‘đóng băng’ suốt hai năm sau khi xây dựng cơ bản vì vướng mắc pháp lý về khai thác tài sản công, khi Chính phủ ban hành Nghị định 09/2024/NĐ-CP, dự án mới được “cởi trói” và đưa vào khai thác. Ngày 16/1/2025, tòa nhà ICT1 chính thức đưa vào sử dụng với 21.000m² mặt bằng cho thuê, thu hút hơn 30 doanh nghiệp đăng ký diện tích vượt mức cung ứng.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Công viên phần mềm số 2 sẽ là đầu tàu chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành phố, từ gia công phần mềm sang phát triển sản phẩm công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch... Từ đó, thành phố từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, đến năm 2045 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của châu Á. Đây cũng là một trong những “hạt nhân” quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Đà Nẵng.
‘Đòn bẩy’ hạ tầng giao thông
Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Đà Nẵng – đơn vị được giao 700 tỷ đồng vốn đầu tư công, gồm 200 tỷ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho năm 2025. Theo ông Huy, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, ngay từ đầu năm 2025, Ban đã chủ động triển khai nhiều phương án, từ khâu rà soát năng lực nhà thầu, lên kế hoạch chuẩn bị vật liệu xây dựng, đến giải quyết các nút thắt về GPMB – một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chậm tiến độ các năm trước.
.jpg)
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm đã được Ban đưa ‘về đích’, đảm bảo bàn giao và đưa vào phục vụ nhân dân như Đường vành đai phía Tây, đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan. Những chủ trương, chính sách của TP như quy định về giá vật kiến trúc, nâng cao giá trị bồi thường tài sản, giúp công tác GPMB khả thi hơn và được người dân đồng thuận. Bên cạnh đó, Ban đã chủ động chấn chỉnh công tác quản lý nội bộ, nâng cao hiệu quả điều hành dự án, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công. Một vấn đề đáng chú ý là tình trạng thiếu vật liệu như đất K98 – loại đất quan trọng cho các công trình giao thông – đã được Ban chủ động phối hợp với nhà thầu tìm kiếm nguồn cung kịp thời. Việc giá vật liệu tăng sau thời gian dài trì hoãn cũng được tính toán trong phương án tài chính để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo ông Nguyễn Minh Huy, từ thực tế triển khai các công trình, Ban xác định rằng đầu tư hạ tầng giao thông cần được đi trước một bước để mở đường cho các lĩnh vực khác phát triển. Trong bối cảnh Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính, hạ tầng giao thông càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương và thu hút đầu tư. Những đề xuất như tuyến đường sắt đô thị Đà Nẵng – Hội An – Chu Lai đang được Trung ương xem xét phê duyệt, cho thấy chiến lược kết nối vùng của thành phố đang ngày càng cụ thể và thực tế.
Hầm chui sân bay 10.000 tỷ, ‘động lực’ mới cho Đà Nẵng
Một trong những dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng chuẩn bị đầu tư là hầm chui sân bay. Đây là công trình giao thông chiến lược, được thành phố giao cho Ban QLDA Giao thông và Nông nghiệp làm chủ đầu tư và hiện đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó kế hoạch trung hạn sẽ bố trí khoảng 7.000 tỷ đồng. Thành phố dự kiến sẽ cân đối ngân sách hoặc huy động vốn vay nếu cần thiết để đảm bảo tiến độ.
.jpg)
Ông Nguyễn Minh Huy cho biết, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kết nối, điểm đầu nối vào đường vành đai phía Tây 2, chui qua trục đường Trường Chinh, kết nối sang đường Duy Tân – quận Hải Châu. Đây không chỉ là tuyến giao thông mới mà còn là “đòn bẩy” phát triển khu vực Tây Bắc thành phố, một trong những vùng còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
Theo kế hoạch, phương án tiền khả thi sẽ được trình UBND TP trong quý 3/2025. Hiện thành phố cơ bản thống nhất đầu tư một lần toàn bộ hạng mục hầm chui đường bộ và MRT (tàu điện ngầm). Việc thực hiện đồng thời cả hai hạng mục là cách tiếp cận hiện đại, đảm bảo tầm nhìn dài hạn về giao thông đô thị tích hợp và thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng.
Việc sớm triển khai dự án không chỉ giải quyết bài toán giao thông quanh khu vực sân bay, mà còn khai thác dư địa, tiềm năng phát triển khu vực Tây Bắc thành phố, góp phần nâng cao năng lực kết nối vùng và quốc tế, giúp Đà Nẵng trở thành điểm trung chuyển hàng đầu khu vực miền Trung. Đây cũng là một trong những bước đi cụ thể hiện thực hóa định hướng phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong khi dự án hầm chui sân bay Đà Nẵng đang được nghiên cứu phương án tiền khả thi, một dự án khác nhận được nhiều quan tâm là hầm chui sông Hàn sẽ xem xét đầu tư sau năm 2030.
Ngoài hầm chui sân bay, một số dự án khác do Ban phụ trách như cầu Hòa Xuân mở rộng kết hợp nút giao với đường Cách mạng tháng Tám dự kiến triển khai từ quý I/2026. Việc đầu tư các công trình này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khép kín, giảm áp lực cho các tuyến nội đô và nâng cao chất lượng sống cho người dân.