‘Cưỡi sóng’ và… lật thuyền

Cập nhật: 12:00 | 05/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Cần gì biết tốt hay xấu, cứ nhìn tình hình thực tế trên thị trường là biết, phân tích làm gì cho mệt xác. Tôi hớp vội ngụm cà phê rồi cũng nhảy vội lên đầu con sóng mà không biết mình sẽ thất bại ê chề.

Ảnh minh họa

“Lướt sóng” là thuật ngữ vô cùng quen thuộc với bất cứ nhà đầu tư nào. Và đã “lướt sóng” tức là bước vào vùng không an toàn, tồn tại rủi ro tiềm ẩn. Ai cũng biết điều đó nhưng đã đầu tư thì phải có can đảm và phải chấp nhận thiệt hại nếu bị “lật thuyền”.

Kỷ niệm bi hài của tôi đến từ một trong số những lần lướt sóng đó. Hồi ấy thị trường Việt Nam cứ xập xình, không tăng mạnh cũng chẳng giảm sâu. Đó là mảnh đất màu mỡ để các “chuyến tàu” giàu sang cứ mải mê mời gọi. Ngắm bảng mãi cũng chán, tôi quyết đi theo một chuyến tàu của đàn anh. Ông đảm bảo “đội lái” khá mạnh và có thể đưa mọi người đến đích an toàn.

Tất nhiên, thị trường khác gì chiến trường và đã chiến đấu thì phải có thắng có thua, nếu ai cũng thắng thì sẽ trái với quy luật tự nhiên. Tôi nhớ lại, phiên giao dịch của cố phiếu “S.” (cổ phiếu tôi đầu tư) chẳng khác gì phim hành động khi lực mua cứ bị triệt tiêu bởi lực bán mạnh.

Ở sàn giao dịch có một chiếc bàn lớn để mọi người ngồi theo dõi thị trường. Ai cũng một ly cà phê và một chiếc laptop hoặc điện thoại thông minh, mắt dán vào diễn biến hồi hộp của thị trường. Rồi mọi người ồ lên khi sức mua tăng mạnh, chứng tỏ phe đánh lên đã quyết tâm ra đòn. Đến lúc này, trên các diễn đàn đã bắt đầu xuất hiện các chủ đề bàn luận, phân tích về độ tốt của cổ phiếu này.

“Đánh lên đã quá rõ ràng rồi. Anh chị em vào mau kẻo không kịp”, một trong số bình luận, hô hào khiến tôi vô cùng ấn tượng.

Đó là lúc một con tàu đã rời bến. Sóng là đây chứ đâu. Cảm xúc lấn át lý trí. Thế là xuống tiền. Trước khi đặt mua, tôi cũng tự hỏi mình thế cổ phiếu này có thực sự tốt hay không, hay chỉ là chiêu trò để “xả”? Lúc ấy thì không khí hào hứng đã lấn át kinh nghiệm ít ỏi tôi đã tích lũy được sau thời gian ngắn tham gia đầu tư.

“Lên tàu chưa anh?” - cậu môi giới nhắn tin đầy quả quyết và nhấn mạnh “Em cũng theo 5.000 cổ rồi. Lần này là cú lớn đây. Toàn hàng khủng chiến thôi”.

Làm gì có sự đảm bảo nào chắc chắn và ngon ăn hơn lời khẳng định đó. Cần gì biết tốt hay xấu, cứ nhìn tình hình thực tế trên thị trường là biết, phân tích làm gì cho mệt xác. Tôi hớp vội ngụm cà phê rồi cũng nhảy vội lên đầu con sóng mà không biết mình sẽ thất bại ê chề. Lúc đó giá mua vào cao hơn mọi người nhưng tôi vẫn mừng thầm vì đã lên kịp tàu.

Hôm sau, cổ phiếu đó vẫn tăng trần. Lại rộ lên tin người nhà một thành viên HĐQT hoặc người thân lãnh đạo công ty mua cổ phiếu. Thế là càng chắc chắn về số lãi mình sẽ kiếm được sau khi lướt thành công. Tôi nảy sinh suy nghĩ về việc mình sẽ thu về bao nhiêu và sẽ dùng số tiền đó đầu tư tiếp cố phiếu nào.

Cái sai ở đây là “cổ phiếu chưa về thì chưa biết được”. Trước đây, tôi vốn chủ trương không theo những “penny” tăng nóng chỉ vì tin đồn như thế. Ấy vậy mà có lần vẫn không kiềm chế nổi lòng tham, để rồi “chết” trong một lần “lướt sóng” như vậy.

Lại một ngày nữa tôi tưởng cổ phiếu “S.” tiếp tục tăng trần, nhưng không ngờ nó chỉ xanh được lúc đầu. Hàng loạt lệnh bán lớn đổ ra và sắc đỏ xuất hiện. Không còn thấy các lệnh mua khủng như hai ngày trước. Khác hẳn với phiên đầu tiên, khi các lệnh bán ít ỏi đều bị nuốt gọn, mấy vị khách hàng gần đó đều xuýt xoa tiếc nuối vì đã không gom kịp trước khi tàu “khởi hành”, thì hôm nay những khuôn mặt ấy lộ rõ vẻ buồn bã.

Tôi thua lỗ. Đó là kết quả tất yếu khi chỉ mua theo tin đồn. Dù đó là tin có chắc chắn đến đâu nhưng cũng không thể vội vàng “lướt” một cách không chắc chắn như vậy. Ít ra tôi vẫn còn may mắn chán, vì có mấy nhà đầu tư “múc” cật lực bằng margin thì còn lỗ nặng hơn.

Đó là bài học cho việc không kiểm soát được lòng tham của mình. Tôi đành ôm “S.” đợi tin tốt kia trở thành sự thật, nhưng đợi mỏi mòn mà không thấy đâu. Tôi biết rằng, tin đó do “tay to” tung ra để tạo sóng hòng kiếm tiền từ “S.”. Họ đã gom trước một cơ số cổ phiếu, rồi đổ lệnh mua để kéo nhà đầu tư nhỏ “lên tàu” cùng. Nắm trong tay lượng lớn CP, họ chỉ cần kiếm 10-15% lãi là đủ, vì vậy đã bán ngay khi đủ lợi nhuận kỳ vọng.

Đó là một bài học xương máu cho người còn non kinh nghiệm như tôi. Không thể cứ mang hy vọng lướt sóng cổ phiếu nhỏ để kiếm lời khi chưa có nhận định rõ ràng. Trong vô vàn tin tức được tung ra mỗi ngày, chúng ta cần sáng suốt đánh giá để không bị cuốn theo cảm xúc bột phát.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ”

Đinh Thành Trung (Hà Nội)