Cuộc chạy đua tăng vốn của các ngân hàng

Cập nhật: 10:58 | 12/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Sau năm 2023 khá yên ắng trong hoạt động tăng vốn chủ sở hữu, các ngân hàng thương mại cổ phần liên tục đưa ra kế hoạch tăng vốn với quy mô lớn trong năm 2024. Dự báo trong năm nay, quy mô vốn điều lệ của ngành ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể.

Vietcombank đang dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 77.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 38,8%. Trước đó, BIDV đã lùi kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng với tỷ lệ 9% từ năm 2023 sang năm 2024.

Trong khi đó, MB đã hoàn tất việc phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và SCIC. Số lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Cuộc chạy đua tăng vốn của các ngân hàng

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa được tổ chức ngày 4/4 vừa qua, ACB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.800 tỷ đồng, lên mức 44.666 tỷ đồng.

Tương tự, VIB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng. Nam A Bank cũng thống nhất việc tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.

Trong khi đó, theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của LPBank, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (tỷ lệ tăng hơn 31%). Tương tự, MSB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng. Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. VietBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 7.225 tỷ đồng

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, mức vốn điều lệ lớn cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng. Do đó, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng trong năm 2024.

Tăng vốn là “bài toán” lớn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm cuối tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống đang ở mức 1.003.601 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng vốn điều lệ 217.882 tỷ đồng, tương đương cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng vốn điều lệ 163.165 tỷ đồng, không thay đổi; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính và ngân hàng hợp tác xã có vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023.

Cũng tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành ngân hàng trong khu vực như bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia là 18,5%. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III hay một phần của Basel III, nhưng không ít ngân hàng tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II. Do đó, tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính.

Theo dự báo của giới phân tích, trong năm 2024, ngành ngân hàng còn phải đối diện với một vài khó khăn như nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn đóng vai trò là chủ cột về vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng. Việc tăng vốn còn tạo cơ sở, điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng MB thành công nâng vốn điều lệ lên gần 53.000 tỷ

Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được ngân hàng sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và bổ sung vốn ...

‘Lời cuối’ của Trương Mỹ Lan: Bị cáo đã đưa SCB thành ngân hàng có tổng giá trị tài sản lớn nhất sau 4 ngân hàng có vốn Nhà nước

Kết thúc phần tranh luận vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan cho rằng bước ngoặt định mệnh dẫn đến kết cục bà phải ...

Thùy Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm