Cửa vào Mỹ rộng hơn với một doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Thuế quan Mỹ vẫn phức tạp, nhưng cổ đông doanh nghiệp có thể an tâm nhờ chiến lược xuất khẩu linh hoạt, biên lợi nhuận cải thiện và triển vọng chiếm lĩnh thị phần cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Sau giai đoạn trầm lắng kéo dài, ngành cá tra Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá trị xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2025 đạt 805 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2024. Tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sản lượng tiêu thụ và tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Brazil, Mỹ và Mexico – những khu vực có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với thị trường truyền thống như Trung Quốc.

Dữ liệu từ VDSC cho thấy sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong kỳ tăng 5%, còn giá bán trung bình tăng nhẹ 1%. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng vọt 71%, Mỹ tăng 7% và Mexico tăng 6%. Trong khi đó, Trung Quốc – từng là điểm tựa tăng trưởng – lại giảm 10% về giá trị xuất khẩu, phản ánh xu hướng dịch chuyển chiến lược thị trường của các doanh nghiệp.
Dù tình hình thuế quan tại Mỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro, với mức thuế đối ứng 10% đang được áp lên cá tra Việt Nam, song giá bán tại Mỹ trong tháng 6/2025 đã phục hồi về 3,03 USD/kg – chỉ thấp hơn 1% so với cùng kỳ. Diễn biến này cho thấy sức tiêu thụ đang trở lại ổn định, bất chấp thách thức chính sách. VDSC dự báo ngành cá tra sẽ bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm nay, với sản lượng kỳ vọng tăng trên 10% và giá bán trung bình có thể tăng thêm 5%. Điều này mở ra triển vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp trên toàn chuỗi giá trị.
Một yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng là cơ hội thay thế cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Từ ngày 12/8 tới, Mỹ sẽ áp thuế mới lên sản phẩm cá rô phi nhập từ Trung Quốc. Đây là nhóm hàng có thị phần rất lớn với hơn 127.000 tấn được nhập vào Mỹ mỗi năm. Với mức giá sau thuế thấp hơn 50–60%, cá tra Việt Nam được kỳ vọng chiếm lại đáng kể thị phần này, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đang thắt chặt chi tiêu và chuyển sang sử dụng các loại cá thịt trắng giá rẻ.

Tại Việt Nam, những yếu tố đầu vào cũng đang hỗ trợ tích cực cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá cá tra nguyên liệu tháng 6/2025 giảm nhẹ 3% so với tháng trước, xuống mức 30.500 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi – chiếm 60–65% chi phí nuôi cá – cũng giảm còn khoảng 12.700 đồng/kg, giảm 5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá đậu tương – nguyên liệu chính cho TACN – giảm tới 12% so với năm ngoái. Cùng với đó, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 3% giúp giá bán xuất khẩu quy đổi ra VND tăng tới 8%, qua đó cải thiện đáng kể lợi nhuận sau thuế.
Trong số các doanh nghiệp ngành cá tra, VDSC đánh giá Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) đang nổi lên là cổ phiếu đáng chú ý nhờ khả năng kiểm soát chi phí tốt và chiến lược thị trường hiệu quả. ANV đang chuyển hướng mạnh sang thị trường Brazil – nơi có biên lợi nhuận cao, trong khi giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn có biên lợi nhuận thấp hơn và cạnh tranh gay gắt hơn.
Ngoài ra, giá bán cá tra tại Brazil cũng đang tăng nhanh hơn Trung Quốc, giúp ANV hưởng lợi kép từ giá bán cao và chi phí thấp. Đây là khác biệt quan trọng giúp ANV có thể cải thiện đáng kể biên lợi nhuận trong nửa cuối năm, vượt trội so với một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Vĩnh Hoàn (VHC) hiện vẫn duy trì tỷ trọng đáng kể tại thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu còn kéo dài, việc duy trì biên lợi nhuận và tái định vị thị trường là chiến lược sống còn. ANV đang cho thấy họ đi đúng hướng. Với cổ đông, dù chính sách thuế của Mỹ chưa hoàn toàn rõ ràng, sự chủ động điều tiết thị trường và kiểm soát chi phí là cơ sở để giữ vững niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.