Cú lừa mua đất

Cập nhật: 12:11 | 14/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Đó có lẽ là chuyến mua đất không thể nào tôi quên được, một cú lừa ngoạn mục.

Tâm sự của một F0 ... đu đỉnh

Chứng khoán không phải là một "cuộc chơi"

Đừng buông xuôi tài khoản cho 4 chữ "đầu tư dài hạn"

Khoảng giữa năm 2020, thị trường đất nền lên cơn sốt dữ dội. Không chỉ ở TP. HCM và các tỉnh thành vùng ven mà ngay cả các tỉnh xa xôi ở miền Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng sốt xình xịch. Trên mạng xã hội, trong các nhóm chat Zalo, ở nơi công sở, quán cà phê, thậm chí quán trà đá vỉa hè, ai ai cũng nói về đất cát. Tôi cũng có chút tiền, gặp đợt dịch bệnh trục trặc làm ăn, tự dưng cũng “ngứa tay, ngứa chân” muốn kiếm chút đỉnh. Ai lại để tiền ngủ bao giờ?

Tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin đất đai trên các nền tảng tìm kiếm, mạng xã hội, để lại số điện thoại ở một vài trang (page) và website. Rất nhanh sau đó, tôi nhận được một “cơn bão telesales” (gọi điện bán hàng) từ đủ loại môi giới. Sau cùng, tôi chốt đi xem đất với một công ty, do cảm thấy suất đầu tư này hấp dẫn hơn cả: đất dự án gần kề sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), đã xong hạ tầng, pháp lý đầy đủ mà giá lại phải chăng, chỉ bằng phân nửa giá rao bán trên thị trường.

Lần đầu mua đất, có lẽ cũng là lần cuối. “Số mình tay làm hàm nhai, không mong của trên trời rơi xuống được”, tôi tự an ủi thế
Số mình tay làm hàm nhai, không mong của trên trời rơi xuống được, tôi tự an ủi thế.

Tháng 8 năm ấy, tôi đi xem đất. Cùng đi xem có khoảng 15 – 20 người. Chúng tôi nhảy lên một chiếc xe ô tô 16 chỗ. Tôi kiếm được chiếc ghế giữa xe, sát bên một em gái xinh như mộng.

Xe ra khỏi nội thành TP.HCM, mọi người trên xe bỗng nhiên kéo rèm che kín cửa. Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng em gái ngồi bên đã chủ động kéo tôi vào cuộc nói chuyện về đất cát, đầu tư, mua bán. Tiếp chuyện người đẹp thì còn gì bằng, tôi gần như quên bẵng tới việc chú ý xe đang đi về đâu.

Trên xe, một thanh niên cao to tự giới thiệu là người của công ty, phụ trách dẫn đoàn đi xem dự án. Trong tiếng nhạc bolero, anh ta thao thao bất tuyệt về thông tin dự án, nào vị trí đắc địa, tiện ích đầy đủ, nào suất đầu tư hợp lý mà tỷ lệ sinh lời cao… Tôi nghe được chừng nửa tiếng thì cảm thấy hơi buồn ngủ nên ngả ghế đánh một giấc.

Xe dừng. Tiếng người lao xao đánh thức tôi dậy. Uể oải bước xuống xe, tôi lập tức tỉnh ngủ khi trước mặt mình là một dự án khá hoành tráng, đường sá, cầu cống, điện đóm ngon lành. Đoàn người đi cùng ai cũng mặt mày hớn hở, chỉ trỏ, bàn tán xôn xao. Rồi không đợi nhân viên công ty kịp nói gì thêm, mọi người lao vào “xí phần”, làm thủ tục mua bán, thậm chí còn tranh giành nhau, cãi cọ ầm ĩ.

Từng xấp tiền 500.000 đồng được ném ra mặt bàn để đặt cọc, chất thành một đống. Tiếng loa liên tục thông báo, lô số 8 chốt xong, lô số 12 đã có chủ… khiến tôi như bị loạn thần. Bất giác tôi cũng lao vào tranh giành quyền mua lô đất.

Một nhân viên sốt sắng viết cho tôi giấy cọc, ghi giá bán 2 tỷ đồng cho lô đất số 7, tờ bản đồ 32, thửa đất số 154, địa chỉ tại…. Tiền cọc là 10% (tương đương 200 triệu đồng). Tôi chưa kịp đọc hết tờ giấy cọc thì không chỉ cô nhân viên mà 3 – 4 người xung quanh đều la ó, hối thúc tôi kí nhanh. Trong không khí điên loạn đó, tôi đặt bút ký cái roẹt.

Rất nhanh, cô nhân viên hướng dẫn tôi chuyển khoản tiền cọc. Luôn và ngay, 200 triệu đồng rời khỏi tài khoản.

Tôi nhận tờ giấy cọc, lập tức nhìn xuống cuối trang, đây rồi, chữ ký tươi mực, dấu đóng đỏ chót. Yên tâm quá, tôi gập tở giấy cho vào ví.

Về nhà, tôi hớn hở khoe với đứa em trai. Nó xem một lượt, xong nhăn mặt kêu: “Anh mua đất ở chỗ xa thế”. Tôi giật mình, bẻ lại: “Đất gần ngay sân bay Long Thành, xa đâu mà xa”. Nó xoay tờ giấy, chỉ tay vào dòng địa chỉ, giọng chắc nịch: “Anh nhìn đi!".

Mắt tôi như nổ đom đóm. Trên tờ giấy đặt cọc, địa chỉ lô đất là ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tôi “ơ”, “ơ” mấy tiếng, rồi nổi khùng, đập tay rầm một cái xuống bàn, khiến thằng em sợ xanh mặt. Tôi gọi điện thoại ngay cho công ty, giọng như lạc đi vì mất bình tĩnh. Đáp lại, nhân viên công ty hẹn tôi 9h sáng mai lên trụ sở làm việc.

8h sáng hôm sau, tôi đã có mặt ở công ty, ngồi chầu chực. Quá 9h, lễ tân mới chịu hướng dẫn cho tôi đi sang Phòng Pháp chế để trao đổi với “cán bộ chuyên môn”. Tôi hùng hổ đi vào, nhưng nét mặt ngay lập tức phải giãn ra, vì dọc hành lang, rất nhiều vệ sĩ đeo kính đen, mặt hằm hằm, người chẳng có gì ngoài… mực.

Người tiếp tôi là một nam nhân viên có vẻ trí thức. Tôi lấy tờ giấy đặt cọc ra và trình bày sự việc. Nam nhân viên xoay người trên ghế, giọng lạnh tanh: “Lô đất anh mua và thông tin trên giấy đặt cọc hoàn toàn trùng khớp, không có gì sai cả”. Nói rồi, anh ta mở bản đồ trên máy tính và một đống giấy tờ ra chỉ cho tôi xem. Xem đến đâu, sống lưng tôi lạnh toát đến đấy.

Đến giờ phút này thì tôi biết là mình mắc lừa rồi. Giọng tôi run lên, xin được điều chỉnh thỏa thuận mua bán. Nhưng đáp lại lời khẩn cầu của tôi vẫn là gương mặt lạnh lùng: “Anh có thể đơn phương hủy quyết định mua bán, nhưng phải mất số tiền đã đặt cọc. Nếu không, anh tiếp tục đóng tiền theo tiến độ để sở hữu lô đất đó, chúng tôi không ép”.

Tôi thừ người ra. Hủy mua bán thì mất trắng 200 triệu đồng, nhưng đóng tiền mua còn dở hơi hơn. Cái lô đất khỉ ho cò gáy, chó ăn đá, gà ăn sỏi kia cùng lắm được 500 triệu đồng, chi 2 tỷ đồng để sở hữu nó có mà điên.

Tôi tính nổi nóng, làm căng, nhưng nghĩ đến đám kính đen, người toàn mực ngoài hành lang thì người nhũn ra. Đắn đo một hồi, tôi chấp nhận hủy mua, chấp nhận mất 200 triệu đồng.

Ngẫm lại trên đời, miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột. Tôi là một con chuột ngu ngốc, đã ngu lại còn tham. 200 triệu đồng đổi một bài học, học phí này đắt đến nghẹt thở. Sau này, tôi nói chuyện nhiều trong các hội nhóm, cộng đồng bất động sản, mới phát hiện rằng, thì ra tôi không phải là con chuột duy nhất, mà cũng không chỉ có một công ty chuyên lừa đảo thế này. Cái đám 15 – 20 người đi cùng, thực chất, toàn là người của công ty lừa đảo đó. Chúng là chim mồi, dụ tôi vào bẫy.

Lần đầu mua đất, có lẽ cũng là lần cuối. “Số mình tay làm hàm nhai, không mong của trên trời rơi xuống được”, tôi tự an ủi thế, dù tới bây giờ, nghĩ lại vẫn thấy cay.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Việt Anh (Hà Nội)