Báo cáo - Phân tích

CTCK nói về khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm: Câu chuyện thuế quan là yếu tố tiên quyết

Nguyên Nam 13/05/2025 19:03

Thị trường chứng khoán tháng 5/2025 được dự báo phân hóa mạnh, với khối ngoại và tự doanh bán ròng, trong khi nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua vào. ABS cũng dự báo VN-Index dao động 1.220–1.280 điểm nếu đàm phán thương mại Việt–Mỹ tiến triển tích cực.

Bước sang tháng 5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm nhà đầu tư và nhóm ngành, theo báo cáo chiến lược vừa công bố bởi Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS). Dù vẫn duy trì xu hướng tích cực nhờ lực đỡ từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, thị trường vẫn đối mặt với áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại và tự doanh.

chungkhoan13.jpg
Thị trường vẫn đối mặt với áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại và tự doanh

Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, khối tự doanh bất ngờ quay đầu bán ròng hơn 4.032 tỷ đồng, trong khi khối ngoại ghi nhận mức bán ròng lên tới 14.700 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, lực mua ròng đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 22.400 tỷ đồng, giúp giữ nhịp thị trường và duy trì đà tăng điểm cho các cổ phiếu lớn.

Trong đó, nhóm cổ phiếu họ Vin (VIC, VHM, VRE) tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng ấn tượng từ 13% đến 24%, trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Ngược lại, các mã bất động sản khu công nghiệp như GVR và BCM ghi nhận mức giảm gần 27%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như PLX, GAS, VPB, BVH, SSI... cũng điều chỉnh hơn 10% trong tháng vừa qua.

Nhóm bất động sản là điểm sáng hiếm hoi khi vẫn giữ được sắc xanh. Trong khi đó, các nhóm ngành có vốn hóa lớn như dầu khí, hóa chất, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và công nghệ thông tin đều chịu áp lực điều chỉnh do lực bán áp đảo.

abs.png
Nguồn: FiinproX, ABS Research

Về triển vọng thị trường trong thời gian tới, ABS cho rằng đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ là yếu tố quyết định xu hướng kinh tế vĩ mô trong 2–3 tháng tới. Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chính sách thương mại nhằm cân bằng cán cân, như tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, bao gồm khí LNG, máy bay và công nghệ cao. Tuy nhiên, mức thặng dư lớn vẫn khiến đàm phán dự kiến kéo dài.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mua USD để phục vụ nhập khẩu đang tạo sức ép lên tỷ giá, dẫn tới giá vàng leo thang. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và gián đoạn dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước đang được triển khai mạnh mẽ, như thúc đẩy đầu tư công, cải cách thể chế, ưu đãi thuế phí và khuyến khích phát triển khoa học – công nghệ. Đây sẽ là các yếu tố hỗ trợ thị trường trong trung hạn.

Xét về mặt định giá, P/E của VN-Index hiện ở mức 12,12 lần – vẫn thấp hơn trung bình 3 năm là 13,13 lần. Trong khi đó, nhóm VN30 có P/E chỉ 10,89 lần, thấp hơn đáng kể so với nhóm vốn hóa trung bình (midcap) và nhỏ (smallcap), lần lượt ở mức 15,06 lần và 13,41 lần. Điều này cho thấy mặt bằng định giá của các cổ phiếu lớn vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư trung và dài hạn.

vnindex.jpg
P/E của VN-Index hiện ở mức 12,12 lần – vẫn thấp hơn trung bình 3 năm là 13,13 lần (Nguồn: ABS)

Trên cơ sở đó, ABS đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 5.

Với xác suất cao, nếu các cuộc đàm phán thương mại diễn biến tích cực và thuế quan được tiếp tục trì hoãn, VN-Index có thể vận động trong vùng 1.220–1.280 điểm. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật mạnh, duy trì xu hướng tăng theo đường trung bình MA5/10.

Trong kịch bản tiêu cực hơn, nếu môi trường quốc tế diễn biến bất lợi, thị trường có thể điều chỉnh sâu. Khi đó, đây sẽ là cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

ABS cũng khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các ngành như xuất khẩu, cảng biển, ngân hàng, phân bón, bán lẻ, dầu khí, công nghệ và khoáng sản. Trong đó, nên chọn các cổ phiếu đầu ngành có lợi thế cạnh tranh và động lực tăng giá mạnh hơn thị trường.

      Nổi bật
          Mới nhất
          CTCK nói về khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm: Câu chuyện thuế quan là yếu tố tiên quyết
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO