COVID-19 - kinh tế - việc làm

Cập nhật: 16:16 | 10/04/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Tính từ đầu năm 2020 đến 26/3, Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đã có trên 153 ngàn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với đó, hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: Vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống,…

Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc.

Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý II/2020, sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng ngày 10/4, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cho biết, đối với Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ, nguyên tắc hỗ trợ sẽ tập trung vào nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

covid 19 kinh te viec lam
Việc người lao động có được quay trở lại các nhà máy sản xuất hay không phụ thuộc rất nhiều vào
sức khỏe của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động đặc biệt, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách là rất cần thiết. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ hai chính sách trở lên tại Nghị quyết này sẽ được duyệt hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Về câu chuyện này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi xây dựng gói hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ đã tính toán rằng, sẽ có khoảng 20 triệu người được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội đó. Điều này đồng nghĩa 20 triệu người có thể đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của COVID-19.

Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Chính phủ đã đề xuất gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đó là điều cần thiết và nên làm, không chỉ vì ý nghĩa nhân văn mà còn góp phần để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Trước đó, ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí với đề xuất này và giao các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật. Đây cũng là điều mà những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đang mong mỏi lúc này.

Dễ nhận ra sâu xa của câu chuyện thất nghiệp, câu chuyện việc làm, chính là khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp. Chính vì vậy, điều cần thiết lúc này là triển khai đồng bộ các gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa khác, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ở mức tốt nhất có thể. Khi doanh nghiệp cầm cự được qua giai đoạn hiện nay, việc làm cũng được duy trì, tỷ lệ mất việc làm sẽ không tăng lên quá cao, để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể đây sẽ là cơ hội để kinh tế phục hồi. Bởi thế, cần bắt đầu tính tới việc khởi động một chương trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ để trước mắt nỗi lo thất nghiệp sẽ sớm bị xua tan.

Xem kế hoạch phục hồi nền kinh tế "hậu COVID-19" tại đây...

covid 19 kinh te viec lam Gỡ khó cho nền kinh tế "hậu COVID-19": Bắt đầu từ đâu?

KTCKVN - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, ...

covid 19 kinh te viec lam Chủ tịch VCCI: Chuẩn bị tâm thế 'sống chung với dịch'

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở ...

covid 19 kinh te viec lam Hướng đi cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài

Tập trung thúc đẩy đầu tư công với tinh thần quyết liệt của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp ...

Yến Thanh