Công ty Minh Quân trúng tiếp gói thầu VSMT hơn 485 tỉ đồng với tỉ lệ tiết kiệm 0,05%

Cập nhật: 15:42 | 05/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Dính nhiều lùm xùm liên quan đến năng lực vệ sinh môi trường nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đây là Công ty Minh Quân) vừa “tái” trúng gói thầu trị giá hơn 485 tỉ đồng tại quận Hà Đông với tỉ lệ tiết kiệm của gói thầu này chỉ là 0,05%.

Vẫn trúng thầu sau hàng loạt lùm xùm

Sau hàng loạt lùm xùm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân mới đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.

Trước đó, doanh nghiệp này dính đến việc “bỏ mặc” rác thải ở địa bàn mà họ trúng thầu thu gom. Cụ thể, dù hết ngày 31/12/2020 gói thầu thu gom, duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn TP.Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng do Công ty Minh Quân thực hiện mới kết thúc. Nhưng từ ngày 25/12/2020, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, rác thải bị chất thành đống tại các điểm tập kết, trên nhiều tuyến đường chính nhưng không được di chuyển kịp thời, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

3734-cong-ty-minh-quan-1
Ông Bùi Xuân Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với liên danh Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các công nhân tại Công ty Minh Quân đình công do chậm trả lương. Khi đó, nhiều chuyên gia khi đó đặt dấu hỏi về năng lực của Công ty Minh Quân khi để Hà Nội chìm trong “biển rác”.

Khi dư luận còn chưa lắng xuống, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã tái trúng gói thầu tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội với giá hơn 485 tỉ đồng với tư cách liên danh.

Gói thầu này do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông làm chủ đầu tư, nằm trong hoạt động chi thường xuyên. Nguồn vốn từ ngân sách quận Hà Đông được Hội đồng nhân dân quận phê duyệt hàng năm và nguồn thu giá vệ sinh môi trường. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước.

Cụ thể, ngày 24/12/2020, ông Bùi Xuân Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông đã ký quyết định số 456/BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói số 1: Dịch vụ công ích duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông (thời gian 3 năm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2023).

Nhà thầu được lựa chọn là liên danh Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Giá hợp đồng (làm tròn) là 485.081.100.000 đồng. Trong khi đó, giá gói thầu được chủ đầu tư đưa ra là 485.324.829.000 đồng. Như vậy, với gói thầu trị giá hơn 485 tỉ đồng, tỉ lệ tiết kiệm chỉ hơn 240 triệu đồng, tương đương với 0,05%.

Chiều 4/3, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Bùi Xuân Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông người ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu khẳng định: “Công ty này (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội-PV) có “phốt” gì đâu. Ở chỗ nào anh không biết chứ ở Hà Đông thì họ thực hiện đảm bảo theo quy định”.

Nợ lương, bảo hiểm, đổ trộm rác thải…

Theo tìm hiểu, cùng với các gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, nhà thầu Minh Quân còn trúng nhiều gói thầu chiếu sáng công cộng. Tính từ năm 2016 đến nay, nhà thầu này đã trúng nhiều gói thầu hệ thống chiếu sáng. Ngoài ra, còn có khoảng hơn chục gói thầu xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa; chỉnh trang đô thị (hệ thống cây xanh, thảm cỏ, hệ thống thoát nước, duy tu hè đường...)... tại Hà Nội doanh nghiệp này cũng từng thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi trúng thầu chưa được bao lâu thì ngay trong tháng 3/2017, công ty này đã liên tục gặp “phốt”. Đỉnh điểm chính là việc doanh nghiệp môi trường này đã đổ “trộm” khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) vào ngày 4/3/2017, ngay sau khi “tiếp quản” địa bàn có vài ngày.

Công ty Minh Quân trúng tiếp gói thầu VSMT hơn 485 tỉ đồng với tỉ lệ tiết kiệm 0,05%
Công ty Minh Quân từng khiến Hà Nội "ngập chìm" trong rác. Ảnh internet.

Lúc này, Công ty Minh Quân giải thích lý do đổ trộm rác là để tập kết tạm và do là giai đoạn chuyển giao (chuyển giao đổ rác giữa Công ty Minh Quân và đơn vị cũ) rác tập kết nhiều ngày ứ đọng lại không có người xử lý.

Như vậy, ngay từ khi mới trúng thầu thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, hoạt động và cách làm việc của Công ty Minh Quân đã khiến dư luận tỏ ra băn khoăn. Việc thu gom chưa chuyên nghiệp khiến nhiều người hoài khi về năng lực của công ty này.

Ngoài ra, Công ty Minh Quân cũng từng còn vi phạm chế độ chính sách đối với người lao động. Tính đến trước tháng 11/2020, hơn 800 công nhân, người lao động của Công ty Minh Quân bị doanh nghiệp này nợ đọng tiền BHXH lên tới hơn 20 tỉ đồng.

Ngày 10/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội thông tin, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH lên tới 20 tỉ 250 triệu đồng, tính đến hết tháng 11/2020.

Trước hàng loạt lùm xùm của doanh nghiệp này, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Văn bản số 5913/UBND-TKBT ngày 29/12/2020 gửi Thanh tra thành phố và Sở Xây dựng về việc thanh tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ThS. Nguyễn Đức Tùng, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Nếu là chủ đầu tư, sau hàng loạt lùm xùm của doanh nghiệp trên, tôi sẽ cân nhắc việc có lựa chọn Công ty Minh Quân cho các gói thầu Duy trì vệ sinh môi trường. Vì hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có rất nhiều nhà thầu đáp ứng đủ năng lực cũng như kinh nghiệm mà bên mời thầu đưa ra, không nhất thiết phải chọn công ty dính nhiều "tai tiếng" như vậy".

Theo ông Tùng, dù Công ty Minh Quân đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội nhưng xét về năng lực vẫn là Công ty Minh Quân. Công ty Minh Quân đã trúng gần 30 gói thầu trên địa bàn TP.Hà Nội với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đồng thế nhưng lại không có tiền trả cho công nhân. Đây là nghi vấn rất lớn về năng lực của công ty này.

Nguồn Kinh tế Môi trường

Tin cũ hơn
Xem thêm