Công ty Đầu tư Newland: Vừa tăng vốn lại rút ra cho đối tác vay, dòng tiền âm nặng

Cập nhật: 07:19 | 08/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Hết năm 2021, Công ty CP Đầu tư Newland chưa thể cải thiện tình trạng dòng tiền kinh doanh âm 'triền miên' nhiều năm trời. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn mạnh tay chi hơn 1.000 tỷ đồng cho bên khác vay, khiến dòng tiền đầu tư rớt thảm...

Lạ lùng cách cách sử dụng vốn của giới chủ Công ty Đầu tư Newland
Công ty CP Đầu tư Newland là chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A – Đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Bắc Đại học Thái Nguyên, thuộc địa bàn các phường Quang Trung, phường Quang Vinh, phường Quan Triều, TP. Thái Nguyên.

Đáng nói, chỉ có một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là Công ty CP Đầu tư Newland, doanh nghiệp có địa chỉ tại Hà Nội, và đã được đánh giá đạt sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Được biết, Dự án Khu đô thị Bắc Đại học Thái Nguyên có diện tích đất gần 500.000 m2, quy mô dân số khoảng 8.500 người. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án hơn 1.720 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 520 tỷ đồng.

Ngoài đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chính quyền tỉnh Thái Nguyên yêu cầu nhà đầu tư dự án cần xây dựng 345 lô nhà ở, trung tâm thương mại dịch vụ cao tầng, nhà ở xã hội...

Dự án Khu đô thị Bắc Đại học Thái Nguyên có thời gian hoạt động 50 năm, tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.

Công ty Đầu tư Newland là ai?

Về nhà đầu tư độc diễn nêu trên, tìm hiểu được biết Công ty CP Đầu tư Newland (viết tắt là Công ty Newland) thành lập vào năm 2010, hiện trụ sở chính đặt ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Phạm Trung Kiên, sinh năm 1977. Từ khi hoạt động, Công ty Newland đã có nhiều đợt tăng vốn điều lệ. Mới đây nhất là lần tăng gấp 2,4 lần, lên 2.028 tỷ đồng hồi tháng 4/2021.

Trên website của mình, Công ty Newland tự hào giới thiệu danh mục dự án đang triển khai khá đồ sộ, chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chẳng hạn như: Dự án Khu dân cư Thanh Bình (71.252 m2); Tổ hợp chung cư hồ Bạch Đằng (52.041 m2); Khu đô thị mới Tân Phú Hưng; Khu dân cư Trần Hưng Đạo (134.827 m2); Khu dân cư Tôn Đức Thắng (10.470 m2).

Trên thực tế, Công ty Newland chỉ nổi lên và tạo tiếng vang khi trúng thầu Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương, thuộc phường An Đông, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một cách tương đối dễ dàng.

Đây là dự án lớn của địa phương, có diện tích khoảng 8,62 ha, tổng chi phí thực hiện dự án là 3.916 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư, xây dựng, vận hành trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm: dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em… thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác trong trung tâm thương mại.

Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A – Đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương vào tháng 5/2021. Với lợi thế là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, Công ty Newland không vấp phải sự cạnh tranh nào trước khi giành chiến thắng.

Đặc biệt trên khu đất triển khai dự án, một dự án quan trọng khác đã chốt xong phương án thực hiện, đó là Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế với tổng vốn đầu tư khoảng 170 triệu USD. Như tên gọi, dự án do Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam làm chủ đầu tư.

Thực lực của Newland đến đâu?

Theo tài liệu của phóng viên, trong 6 năm gần nhất, Công ty Newland luôn tìm cách để mở rộng quy mô hoạt động của mình. Nếu năm 2016, nguồn vốn tài chính của doanh nghiệp đạt 439,8 tỷ đồng, thì đến năm 2020 đã nâng lên mức 1.630 tỷ đồng và tiếp tục tiến lên ngưỡng 2.750 tỷ đồng, vào cuối năm 2021.

Động lực tăng trưởng đến từ những màn tăng vốn khá ấn tượng của giới chủ Newland. Trong năm 2021, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng từ 819 tỷ đồng lên 2.028 tỷ đồng, tức gấp 2,5 lần. Với chiến lược gia tăng quỹ đất nhanh chóng, thường xuyên "săn" các dự án lớn qua đấu thầu, việc bổ sung vốn sẽ giúp Công ty Newland đáp ứng các yêu cầu đặt ra, và thuyết phục người chấm thầu hơn.

Quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp không quá lớn, các năm 2020-2021, tổng số nợ lần lượt là 810 tỷ đồng và 717 tỷ đồng.

Biên độ chênh lệch khá thấp, nhưng có sự dịch chuyển mạnh giữa các khoản mục. Chẳng hạn, năm 2021, Công ty Newland giảm vay ngắn hạn từ 600 tỷ đồng xuống 294 tỷ đồng; bù lại, doanh nghiệp đẩy mạnh chiếm dụng vốn của người bán, với khoản Phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 42 tỷ đồng lên 88,9 tỷ đồng. Newland cũng tăng cường thu tiền trước của khách, có thể nhận thấy qua việc Người mua trả tiền trước dài hạn tăng gấp đôi, đạt 324 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Bên kia bảng cân đôi kế toán, cách sử dụng vốn của Công ty Newland khá đặc biệt. Trong năm này, doanh nghiệp nảy sinh khoản Phải thu về cho vay ngắn hạn 922 tỷ đồng, ngang ngửa phần tiền dư ra sau khi thực hiện tăng vốn. Đó là thay đổi mạnh mẽ nhất trong cấu trúc tài sản. Ngoài ra giá trị hàng tồn kho cũng tăng thêm 95 tỷ đồng, lên 1.470 tỷ đồng, thể hiện tiến độ các dự án của Newland vẫn còn khá chậm chạp.

Việc bất ngờ chi ra 922 tỷ đồng, tương đương 33,5% tổng tài sản cho bên khác vay, không giúp Công ty Newland thu về một khoản lãi tương xứng. Trong kỳ, hoạt động tài chính chỉ tạo ra 5,5 tỷ đồng doanh thu, tức bằng 0,5% số tiền đã phải bỏ ra.

Cần nhắc lại, việc phát hành thêm cổ phần, giúp dòng tiền tài chính của Newland tăng vọt lên 1.111 tỷ đồng. Thế nhưng, sự hào phóng khi bạo tay chi hơn 1.058 tỷ đồng cho đối tác vay, đã dẫn tới dòng tiền đầu tư âm kỷ lục, hơn 1.040 tỷ đồng, trong khi năm trước là 121,8 tỷ đồng. Thêm vào đó, dòng tiền kinh doanh, được ví là dòng máu nuôi dưỡng doanh nghiệp, chưa thoát khỏi tình trạng âm triền miên, tiếp tục âm 53 tỷ đồng trong năm 2021.

Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ chỉ dừng ở mức vừa phải, không có gì nổi trội hơn năm trước.

Tình hình kinh doanh của Newland cũng vậy. Mặc dù doanh thu thuần có phần khích lệ khi tăng đột biến gấp 7 lần năm 2020, lên hơn 163 tỷ đồng; tuy nhiên với biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 28% xuống 11%, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng "phi mã", lợi nhuận sau thuế còn lại gần 4 tỷ đồng, chỉ cao hơn 2 tỷ đồng so với thực hiện năm trước. Cho thấy sự ảm đạm vẫn bao trùm doanh nghiệp này.

Vân Oanh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm