Công ty con của “vua tôm” Minh Phú (MPC) huy động 10 triệu USD cho kế hoạch “vươn ra biển lớn”

Cập nhật: 16:07 | 23/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Công nghệ Otanics – công ty con của “vua tôm” Minh Phú hiện đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư để huy động 10 triệu USD nhằm mở rộng ra quốc tế.

Công ty con của “vua tôm” Minh Phú (MPC) huy động 10 triệu USD cho kế hoạch “vươn ra biển lớn”
Otanics - công ty con “vua tôm” Minh Phú muốn huy động 10 triệu USD nhằm mở rộng ra quốc tế

Chuyên trang thông tin và dữ liệu kinh doanh thuỷ sản Undercurrent News mới đây tiết lộ, Công ty CP Công nghệ Otanics - đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động 10 triệu USD cho kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp này dự định kết thúc đợt huy động vốn trong quý I/2024.

Được biết, Otanics là đơn vị sở hữu, nghiên cứu và phát triển hệ thống Tomota - ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật để giám sát hoạt động của ao nuôi. Hệ thống này bao gồm các sản phẩm công nghệ cao, đó là: giải pháp giám sát tăng trưởng Tomota S3, giải pháp giám sát và điều khiển hệ thống thiết bị của trại nuôi Tomota IoT, giải pháp quản lý nước nuôi Tomota A3, giải pháp quản lý và chương trình cho ăn Tomota Feeder. Các sản phẩm này được tích hợp trong ứng dụng quản lý Tomota cho phép người quản lý nuôi trồng nhận thông tin về cân nặng, kích cỡ, tốc độ tăng trưởng của tôm, dự báo lợi nhuận ao nuôi, vẽ ra biểu đồ mô hình sản lượng dự kiến ​​của ao nuôi, giám sát năng lượng trực tiếp của hệ thống sục khí và cho ăn tự động, dự báo thu nhập và chi phí cũng như thu thập dữ liệu thu hoạch…

Từ cuối năm 2020, Tomota đã được ứng dụng tại các ao nuôi của Tập đoàn Minh Phú ở Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Kiên Giang, giúp hai vùng nuôi này giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, hao hụt vật tư, thiết bị và tiết kiệm chi phí nhân công. Ngoài ra, Tomota cũng được xuất khẩu ra 10 nước trên thế giới và gần đây nhất là các thương vụ phân phối sản phẩm ra Indonesia và Ấn Độ. Chiếc máy đếm tôm giống – đo tôm thương phẩm Tomota S3 cũng đang từng bước “chinh phục” thị trường quốc tế, với sự hiện diện tại các trang trại giống của Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ecuador...

Công ty con của “vua tôm” Minh Phú (MPC) huy động 10 triệu USD cho kế hoạch “vươn ra biển lớn”
Otanics là đơn vị sở hữu, nghiên cứu và phát triển hệ thống Tomota - ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật để giám sát hoạt động của ao nuôi

Ông Vũ Văn Vân, Tổng Giám đốc Otanics kỳ vọng, trong tháng 11 và tháng 12, Otanics sẽ ký được ít nhất hai hợp đồng phân phối mới.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Công nghệ Otanics được thành lập năm tháng 10/2020 với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú góp 51 tỷ đồng, tương ứng 51% vốn điều lệ; ông Nguyễn Nhất Tuấn góp 25 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 25%; ông Vũ Văn Vân góp 24 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 24%.

Otanics đặt trụ sở chính tại Khu công nghiệp phường 8, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản, hoạt động tư vấn kỹ thuật có liên quan khác,... Hiện tại, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Otanics là ông Nguyễn Hoàng Liêm (sinh năm 1994). Ngoài vai trò tại Otanics, ông Liêm còn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Vtstone.

Chân dung “Vua tôm” Minh Phú – “bệ đỡ” của Otanics

Như đã nói ở trên, đứng sau Otanics là “vua tôm” Minh Phú - Tập đoàn cung ứng tôm bậc nhất Việt Nam và cũng là một trong những nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú có tiền thân là Xí nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú, được thành lập năm 1992 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 triều đồng. Đến nay, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Minh Phú đã vươn lên trở thành một Tập đoàn lớn với số vốn điều lệ gần 4.000 tỷ đồng, sở hữu 16 công ty con, 2 công ty liên kết.

Đáng chú ý, đằng sau “vua tôm” là hậu thuẫn của Tập đoàn Mitsui - một trong tứ đại tài phiệt zaibatsu của Nhật Bản (cùng với Mitsubishi, Yashuda và Sumitomo). Thông qua công ty con là MPM Investments Pte.Ltd, Mitsui hiện đang nắm giữ 35,1% vốn điều lệ của Thuỷ sản Minh Phú. Còn nhớ, năm 2019, Tập đoàn Nhật Bản đã chi 17 tỷ yên Nhật (khoảng 153 triệu USD) để mua lại số cổ phần nói trên của Minh Phú. Đây cũng là 1 trong số 10 thương vụ tiêu biểu nhất tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2019.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú tăng 21%, lên mức đạt 16.425 tỷ đồng, “áp sát” mức đỉnh trong giai đoạn 2018 – 2019. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lập kỷ lục trong lịch sử hoạt động, ghi nhận ở mức 832 tỷ đồng. Dù vậy, so với tham vọng thu về 18.963 tỷ đồng doanh thu và 1.267 tỷ đồng lãi ròng, kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên vẫn là chưa đủ.

Công ty con của “vua tôm” Minh Phú (MPC) huy động 10 triệu USD cho kế hoạch “vươn ra biển lớn”
Mặc dù đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2022, "vua tôm" Minh Phú vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra

Bước sang năm 2023, trước tình hình khó khăn chung của thị trường, Thủy sản Minh Phú đã hạ thấp kế hoạch kinh doanh, với kỳ vọng doanh thu đạt 12.789,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tập đoàn này sụt giảm mạnh 46%, chỉ đạt xấp xỉ 7.466 tỷ đồng, còn cách rất xa kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 114 tỷ đồng.

Đáng nói, không chỉ kinh doanh thua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn ghi nhận âm 468 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 233 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 335,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 371,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng nhẹ 3,2% so với đầu năm, đạt 10.973,3 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 52%, đạt xấp xỉ 5.651 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản, tăng 12% so với đầu năm. Về phần nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý III, tổng nợ vay của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 4.292 tỷ đồng, tăng gần 10 % so với đầu năm, bao gồm 4.080 tỷ đồng tiền nợ vay ngắn hạn và 212 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11/2023, cổ phiếu MPC đóng cửa ở mức 17.200 đồng/cp tăng 1,78% so với phiên giao dịch trước đó.

Sau năm lãi kỷ lục, 'Vua tôm' Minh Phú rót thêm vốn cho 2 công ty con

Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn vào hai công ty ...

Thuỷ sản Minh Phú (MPC) dự kiến chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 50 - 70%

Năm 2023, Thuỷ sản Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.789,5 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận ...

“Vua tôm” Minh Phú (MPC) lại báo lỗ, cổ phiếu tìm về đáy 1 năm

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, ghi nhận quý lỗ thứ ...

Thái Hà