Công ty con của Đạt Phương (DPG) muốn làm khu đô thị 1.866 tỷ đồng tại Quảng Bình

Cập nhật: 11:52 | 23/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đạt Phương Hội An, một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Đạt Phương là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Được biết, dự án có quy mô gần 30 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 1.866 tỷ đồng.

Công ty con của Đạt Phương (DPG) muốn làm khu đô thị 1.866 tỷ đồng tại Quảng Bình
Dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải có quy mô gần 30 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 1.866 tỷ đồng.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải, TP. Đồng Hới. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là Công ty CP Đạt Phương Hội An, công ty con do Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) nắm giữ 88,89% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 7/7/2023, nhằm mục tiêu hình thành khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án nằm tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, phía Đông tiếp giáp khu dân cư và Quốc lộ 1A, phía Tây giáp sông Lệ Kỳ và lô đất thương mại dịch vụ, phía Nam giáp đường giao thông quy hoạch rộng 25 m và lô đất thương mại dịch vụ, phía Bắc cũng tiếp giáp đoạn sông Lệ Kỳ và kênh thủy lợi.

Về quy mô, dự án này có diện tích gần 29,7ha (không bao gồm phạm vi tuyến đường Phú Hải – Lương Ninh), đáp ứng quy mô dân số khoảng 3.165 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.866 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 78 tỷ đồng.

Được biết, công trình nhà ở của dự án được xây dựng trên tổng diện tích gần 8,9 ha. Trong đó, công trình nhà ở xã hội có diện tích hơn 1,8 ha (tương đương 20,0% tổng diện tích đất ở của toàn bộ dự án), phần diện tích còn lại xây dựng 364 căn nhà ở thương mại cao 4 tầng. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng công trình thương mại dịch vụ, khách sạn và văn phòng cho thuê cao tối đã 15 tầng với diện tích sử dụng đất khoảng 2,6 ha; xây dựng 1 trường mầm non cao 2 tầng và hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu vực thực hiện dự án.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày giao đất; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc mua đất ở để xây nhà ở được sử dụng ổn định, lâu dài theo quy định. Tiến độ đầu tư không quá 7 năm kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.

Chân dung Đạt Phương Hội An

Về nhà đầu tư, như đã nói ở trên, Đạt Phương Hội An là công ty con của Tập đoàn Đạt Phương. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp được thành lập ngày 10/7/2017, có trụ sở tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đạt Phương Hội có số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, Tập đoàn Đạt Phương (khi đó là Công ty CP Đạt Phương) góp 32,4 tỷ đồng, tương đương với 54% vốn điều lệ, ông Lương Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đạt Phương góp 21,6 tỷ đồng, tương ứng 36% và ông Đàm Đại Thắng, góp 6 tỷ đồng, tương ứng 10%. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1981).

Sau khi thành lập, Đạt Phương Hội An liên tục tăng vốn. Ngày 12/12/2017, hai tháng sau khi ra đời, doanh nghiệp này tăng vốn gần gấp đôi, lên mức 110 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Đạt Phương nắm 80% vốn điều lệ (tương đương vốn góp 88 tỷ đồng), hai cổ đông còn lại là ông Lương Minh Tuấn và ông Đàm Đại Thắng mỗi người nắm 10% (11 tỷ đồng). Ngày 21/11/2018, doanh nghiệp này tiếp tục nâng vốn lên mức 190 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập được giữ nguyên: Tập đoàn Đạt Phương nắm 80% (tương đương vốn góp 152 tỷ đồng), ông Tuấn và ông Thắng mỗi người nắm 10% (19 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2021, Đạt Phương Hội An đã giảm vốn điều lệ xuống còn 171 tỷ đồng.

Trên thị trường bất động sản, Đạt Phương Hội An nổi tiếng với thương hiệu Casamia tại Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà và Khu đô thị Võng Nhi.

Ở diễn biến mới nhất, hồi tháng 8 vừa qua, Đạt Phương Hội An cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Điền Lộc tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế.

Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Đạt Phương, năm 2022, Đạt Phương Hội An ghi nhận doanh thu đạt 604,81 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 138,02 tỷ đồng.

Công ty con của Đạt Phương (DPG) muốn làm khu đô thị 1.866 tỷ đồng tại Quảng Bình
Kết quả kinh doanh của Đạt Phương Hội An

Đạt Phương đang làm ăn ra sao?

Về Tập đoàn Đạt Phương, những năm gần đây, doanh nghiệp là một cái tên quen thuộc tại tỉnh Quảng Nam khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu giá trị cao. Trong đó, có thể kể đến gói thầu thi công xây dựng công trình và điều tiết bảo đảm giao thông thủy thuộc Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (173,816 tỷ đồng); gói thầu Thi công xây dựng công trình của dự án cầu Văn Ly và đường dẫn (467,135 tỷ đồng); gói HA W3-1 Nạo vét sông Cổ Cò (273 tỷ đồng); gói thầu Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An (275 tỷ đồng); gói thầu đường và cầu ĐH7 qua sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn (147 tỷ đồng); gói thầu xây lắp 01 thuộc dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi Cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (509 tỷ đồng); gói thầu thi công xây lắp đoạn 2 thuộc Dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (621 tỷ đồng).

Còn tại Quảng Bình, trước khi góp mặt tại dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải thông qua công ty con là Đạt Phương Hội An, trước đó, vào cuối năm 2022, Tập đoàn Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu XL1 trong dự án thành phần 2 của Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu, thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình trị giá gần 1.146 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.027 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 168 tỷ đồng, sụt giảm 55%. So với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 3.436 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 287,6 tỷ đồng, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 59% chỉ tiêu doanh thu và 58% chỉ tiêu lợi nhuận.

Đáng chú ý, tính đến hết ngày 30//9/2023, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận ở mức 3.982 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay chiếm 62%, ghi nhận ở mức 2.492 tỷ đồng, cao gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên sáng 23/11 giá cổ phiếu DPG đang ở mức 41.100 đồng/cp, tăng 4,58% so với phiên giao dịch trước đó.

Quảng Nam giao tiếp gần 21.000m2 đất cho Đạt Phương làm khu đô thị Cồn Tiến

Đây là lần thứ 4 tỉnh Quảng Nam có quyết định giao đất cho Công ty CP Đạt Phương Hội An thực hiện dự án ...

Trúng thầu ào ạt, Đạt Phương (DPG) có "phất" ở các tháng tới?

Liên tiếp trúng các gói thầu lớn, song thực tế kết quả kinh doanh Đạt Phương (DPG) đang khá chật vật. Một cú hích là ...

Tập đoàn Đạt Phương (DPG) sẽ "bơm" tối đa 500 tỷ đồng cho công ty con trong lĩnh vực thuỷ điện

Cuối tháng 9, Tập đoàn Đạt Phương nắm 68,3% vốn điều lệ của Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà, đơn vị hoạt động trong lĩnh ...

Hà Lê