Công ty con của Bảo hiểm PetroVietnam (PVI) bị phạt và truy thu gần 1,5 tỷ đồng

Cập nhật: 15:03 | 21/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Tổng Cục thuế Thành phố Hà Nội vừa có quyết định xử phạt hành chính đối với một doanh nghiệp là công ty con của Bảo hiểm PetroVietnam. Theo đó, tổng số tiền thuế bị truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp của đơn vị này lên tới gần 1,5 tỷ đồng.

Chi tiết, Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm PVI (Hanoi Re, HNX: PRE) kê khai chưa đúng doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra không chịu thuế, doanh thu không tính thuế theo quy định và kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa dịch vụ mua vào không đúng quy định. Bên cạnh đó, Công ty hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản chi không được trừ theo quy định.

Vì những vi phạm trên, Hanoi Re bị phạt hành chính gần 199 triệu đồng, đồng thời bị truy thu gần 926 triệu đồng tiền thuế bị thiếu và phải nộp tiền chậm nộp thuế hơn 304 triệu đồng. Tổng số tiền thuế bị truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp của Hanoi Re lên tới gần 1,5 tỷ đồng.

Công ty con của Bảo hiểm PetroVietnam (PVI) bị phạt và truy thu gần 1,5 tỷ đồng
Công ty CP Tái bảo hiểm PVI.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của Hanoi Re gần như đi ngang so với năm trước, ở mức 2.457 tỷ đồng. Trong đó, sản phẩm có doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng là tài sản tăng 24% và con người gấp 2,1 lần, trong khi phí nhận tái bảo hiểm xe cơ giới giảm 55% và bảo hiểm cháy nổ giảm 48%.

Dù vậy, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn tăng khả quan 27% so với năm trước đạt hơn 103 tỷ đồng nhờ Công ty giảm trích lập dự phòng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đến 88%, từ trích lập dự phòng gần 391 tỷ đồng xuống còn trích lập chỉ hơn 46 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động tài chính có lãi tăng 34% khi đạt hơn 194 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi, trái phiếu tăng 86% lên hơn 156 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ thuế và chi phí, lãi ròng năm 2023 của PRE tăng 32% so với năm trước, ở mức 202 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của PRE giảm nhẹ so với đầu năm, còn hơn 5.883 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt tăng 11% và 70%, lên hơn 1.477 tỷ đồng và 1.317 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ở tài sản tái bảo hiểm với gần 2.166 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với đầu năm.

Danh mục đầu tư tài chính của PRE chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn (lớn hơn 3 tháng và dưới 12 tháng) giảm 11% còn hơn 987 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi kỳ hạn dài (trên 12 tháng) gấp 3,4 lần đầu năm, lên hơn 658 tỷ đồng. Mặt khác, PRE còn ủy thác đầu tư cho Công ty CP Quản lý quỹ PVI vào trái phiếu gần 490 tỷ đồng, có bảo lãnh thời hạn 12 tháng. Đặc biệt, cuối kỳ phát sinh mới chứng chỉ tiền gửi dài hạn giá trị 70 tỷ đồng.

Nợ phải trả giảm mạnh hơn tài sản (giảm 15% so với đầu năm), xuống còn hơn 4.290 tỷ đồng, do các khoản phải trả khác giảm đến 83%, còn hơn 125 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PRE) tiền thân là Tổng Công ty TNHH Tái bảo hiểm PVI được thành lập vào năm 2011. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm. PRE được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2013. Hiện Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam Insurance, HOSE: PVI) là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này, với tỷ lệ sở hữu lên tới 81,09% (tương ứng 84,6 triệu cổ phiếu PRE).

Sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024

Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, năm 2024, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với 14 doanh nghiệp bảo hiểm, tăng 04 doanh nghiệp so với năm 2023.

Tại khối phi nhân thọ, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ thanh, kiểm tra 08 doanh nghiệp trong chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Xuân Thành và Bảo hiểm Bảo Việt...

Khối nhân thọ sẽ thanh, kiểm tra 02 doanh nghiệp là Hanwha Life Việt Nam và Shinhan Life Việt Nam về việc tuân thủ quy định pháp luật trong hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Đối với khối môi giới bảo hiểm, 04 doanh nghiệp thuộc diện thanh, kiểm tra gồm: Công ty CP Môi giới Bảo hiểm Medici, Công ty TNHH Môi giới Bảo hiểm Willis Towers Watson Việt Nam, Công ty TNHH Môi giới Bảo hiểm Wellbe Việt Nam và Công ty CP Môi giới Bảo hiểm Integer, nội dung về thực hiện quy định pháp luật đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm (nếu có) và công tác quản lý vốn, tài sản, doanh thu tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để báo cáo Bộ Tài chính có phương án xử lý.

Trước đó, nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Qua công tác thanh tra, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.

Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Theo đó, số tiền doanh nghiệp phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế gồm: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.

Thấy gì từ "làn sóng" thoái vốn tại Thép Pomina?

Như vậy, ngoài áp lực từ hoạt động kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu POM còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của ...

Hai nhân sự tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) từ chức

Hội đồng thành viên của VSDC chỉ còn 1 người là ông Nguyễn Sơn, Phụ trách Hội đồng thành viên.

VHM và VIC gặp áp lực chốt lời, VN-Index bất ngờ đảo chiều

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục gặp phải áp lực chốt lời với thanh khoản có phần tăng dần.

Mộng Diệp