Còn cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời từ chứng khoán phái sinh?

Cập nhật: 10:41 | 25/05/2020 Theo dõi KTCK trên

Phiên cuối tuần qua ngày 21/5, một bộ phận nhà đầu tư đã phải trả giá vì đặt lệnh sai thời điểm, khi một lực mua giá trần cực lớn đổ vào sàn ngay trước khi khớp ATC, khiến bên bán không kịp trở tay. Liệu chứng khoán phải sinh có còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt? 

con co hoi de nha dau tu kiem loi tu chung khoan phai sinh

Sau 4 phiên tăng liên tiếp kể từ đầu tuần, áp lực bán gia tăng mạnh, đặc biệt tập trung nhiều ở nhóm bluechips đã khiến thị trường đổi hướng “đỏ lửa” ở phiên cuối tuần. Trong tuần tới, TTCK sẽ biến động theo xu hướng nào, theo quan điểm của ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có một chuỗi tăng dài trong tuần qua và dù có mất 10 điểm phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index vẫn tăng 12% trong đợt sóng thứ hai. Nếu tính từ mốc 650 hồi đầu tháng 4 thì Index đã tăng 30% với hơn 200 điểm.

Có thể thấy ở những phiên tăng mạnh trước đó dù chỉ số VN-Index tăng mạnh nhưng dòng tiền đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Phiên điều chỉnh cuối tuần là một điều tất yếu khi khả năng hấp thụ cổ phiếu kém dần đi so với lượng hàng bán ra chốt lãi.

Thị trường quốc tế tuần tới có khá nhiều điểm đáng quan tâm mà nổi bật là Mỹ và Trung có thêm nhiều xung đột mới quanh vấn đề chính trị Hong Kong và Đài Loan chưa kể Mỹ vừa thông qua việc cấm các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ mà không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán và kiểm soát của Washington.

Với thị trường Việt Nam, dù các thông tin lạc quan liên tục cập nhật thời gian qua nhưng nếu xét ở khía cạnh lạc quan thì khả năng chỉ tăng lên tầm 870-980 trong khi rủi ro là khá cao, vì vậy áp lực điều chỉnh là ở gần hơn trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Xét về xu hướng trung và dài hạn thì TTCK đang là kênh đầu tư hấp dẫn với nền lãi suất thấp, cụ thể ngày 12/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy.

Trong khi đó, TTCK Mỹ cũng tỏ ra không liên quan tới bức tranh vĩ mô u ám, dốc sức giữ đà tăng tốc nhờ kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm 2021, bên cạnh đó phao cứu sinh cho nền kinh tế Mỹ lúc này là 4 gói kích thích kinh tế được Quốc hội Mỹ phê chuẩn kể từ tháng 3.

Bên cạnh đó là việc các Ngân hàng Trung ương đã triển khai tổng cộng khoảng 4.000 tỷ USD để mua tài sản trong 8 tuần qua và vốn hóa thị trường cổ phiếu toàn cầu đã tăng thêm 15.000 tỷ USD. Đồng thời, các Ngân hàng Trung ương đã chi ra 2,4 tỷ USD mỗi giờ để mua tài sản tài chính.

TTCK trong nước đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và cũng là tuần tăng thứ 6 trong 8 tuần vừa qua, hỗ trợ đà tăng là dòng tiền lớn đổ vào thị trường, đặc biệt ở bộ 3 chỉ số ETF mới, bên cạnh đó là lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Do vậy, trong tuần tới nhiều khả năng thị trường vẫn tiếp tục đi lên nhưng áp lực chốt lời sẽ gia tăng khi thị trường đi vào khu vực 863 điểm.

Thêm vào đó, chỉ số VN-Index tăng thêm 3,11% trong tuần vừa qua nhưng thanh khoản giảm ở hầu khắp các nhóm chỉ số, cho thấy nhà đầu tư đã thận trọng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng các chỉ số chính đang tiến về gần vùng kháng cự mạnh 880 điểm của chỉ số VN-Index và 833 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, tôi đánh giá dòng tiền đang suy yếu và có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng tăng dần. Do đó, tôi nghiêng về khả năng điều chỉnh trong tuần tới khi các chỉ số tiến sát vùng kháng cự trên.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Phiên cuối tuần 22/5, chỉ số VN-Index kết thúc chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp khi chốt phiên giảm 1,2%, khi các thị trường chứng khoán châu Á giảm do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt diễn biến kém tích cực trong phiên khi chỉ số VN30 giảm 1,5% với 29/30 mã giảm điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, tăng 3,1% tính chung cả tuần.

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của HNX-Index vẫn duy trì ở mức Tiêu cực với kháng cự tại 107,5-108 điểm. Tín hiệu của VN-Index, VN30, VNMidcap, VNSmallcap vẫn được giữ ở mức Tích cực, tuy nhiên dấu hiệu suy yếu đang xuất hiện tại VNMidcap. Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục chịu áp lực giảm điểm.

Chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại hỗ trợ MA5 và đường MA100 vừa vượt qua tại mốc 850 điểm và thậm chí là hỗ trợ MA10 tại 840 điểm. Nếu lực cầu tại đây đủ mạnh để giúp VN-Index hồi phục trở lại , đóng cửa gần hoặc trên mức điểm tham chiếu thì xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn được duy trì.

Ngược lại, nếu VN-Index bị bán xuống dưới mốc 840 điểm thì có thể thúc đẩy sự cộng hưởng của lực bán kỹ thuật, khiến chỉ số này có thể giảm sâu, hướng về hỗ trợ tại vùng 800-810 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ diễn biến, để đưa ra quyết định chốt lãi phù hợp.

Sự phân hóa của nhóm cổ phiếu một phần đến từ dự báo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2020, trong đó lợi nhuận của khá nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do ảnh hưởng của covid-19 cũng như đợt cách ly xã hội trong tháng 4 vừa qua. Một cách sơ lược, theo ông/bà, nhóm cổ phiếu ngành nghề nào sẽ chịu tác động khi các doanh nghiệp dần công bố lợi nhuận quý 2?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Báo cáo lợi nhuận quý I đã cho thấy một phần bức tranh các doanh nghiệp trên sàn và tình hình sẽ còn khó khăn hơn ở quý II, là quý bị tác động trực tiếp từ dịch Covid. Một số ngành có thể chưa nhận thấy sự thay đổi ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ ngấm từ từ theo đà suy thoái kinh tế qua những hành vi tiêu dùng, cách chi tiêu cũng sẽ thay đổi căn bản trong thời gian 1,2 năm.

Có thể nói hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ trực tiếp cho đến liên quan trong đó đáng kể nhất là các ngành hàng bán lẻ, hàng không, dệt may, thủy sản, vận tải, ngân hàng… Những doanh nghiệp có đòn cân nợ càng lớn thì sẽ bị áp lực nhiều hơn và cần nhanh chóng cơ cấu tài chính để tránh bị khủng khoảng kép trong ngắn hạn.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Quý II năm nay nhiều khả năng sẽ là điểm trũng về lợi nhuận ở hầu khắp các ngành nghề do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 cũng như đợt giãn cách xã hội trong tháng 4 vừa qua. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp như: hàng không, du lịch, dầu khí... sẽ có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, cũng sẽ có ngành được hưởng lợi như: thực phẩm, hóa chất, thủy sản, đầu tư công…

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ dịch Covid-19 phải kể đến là nhóm ngành hàng không, du lịch giải trí, dịch vụ cho thuê bất động sản. Đây cũng được xem là các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, điều này có thể sẽ còn tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý II/2020 mặc dù tình hình có thể sẽ cải thiện hơn do việc Chính phủ đã tiến hành nới lỏng cách ly xã hội.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành Sản xuất thực phẩm vẫn sẽ duy trì tăng trưởng tốt nhất trong quý II/2020.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Mặc dù sản xuất và tiêu dùng đang dần hồi phục sau dịch, tuy nhiên hầu hết đa số các ngành nghề, doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng giảm, đặc biệt trong quý II sẽ chịu một số tác động nặng nề hơn quý I do cách ly xã hội gần như hết tháng 4, tháng 5 bắt đầu cũng còn tương đối chậm chạp do việc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cũng như đầu ra xuất khẩu vẫn chưa được khôi phục.

Sẽ có 2 ảnh hưởng: nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề và nhóm ít chịu ảnh hưởng.

Trong các nhóm ít chịu ảnh hưởng thì còn phải xem xét thêm yếu tố công ty, chỉ một số ít trong ngành, đặc biệt các công ty có bảng tài chính mạnh, quản trị rủi ro tốt mới có thể có khả năng hồi phục nhanh, chứ không phải tất cả các công ty trong nhóm ít chịu ảnh hưởng đều tốt như nhau.

Một số nhóm ngành, nhà đầu tư có thể quan tâm như : Điện, nước, tiêu dùng thì chủ yếu tiêu dùng thiết yếu , ngành vật liệu xây dựng do đón đầu đầu tư công và do tích trữ nguyên liệu đầu vào cổ phiếu thấp, phân bón vẫn tăng trưởng sản lượng do nhu cầu vẫn ổn định trong khi cổ phiếu đầu vào thấp, nhựa do cổ phiếu nguyên liệu đầu vào thấp, một số ngân hàng có tăng trưởng thu nhập ngoài lãi bù đắp....

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ SHB đã có phiên đảo chiều cuối tuần qua khi đồng loạt giảm trong khi nhóm cổ phiếu thép vẫn đang được giao dịch khá sôi động. Ở thời điểm này, ông/bà dành sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Theo quan sát hiện nay giá nhiều cổ phiếu đã hồi phục đáng kể so với thời điểm đầu năm và nhóm blue chip chỉ còn cách vùng đỉnh giá khoảng 10%-15%. Trong bối cảnh chung kinh tế còn khó lường và một kịch bản cuối năm nhiều ảm đạm với các doanh nghiệp thì thị trường cần một mức giá rẻ hơn hiện tại mới đủ hấp dẫn nắm giữ.

Về trung hạn nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, thép vẫn sẽ có những đợt sóng lớn. Một số cổ phiếu nhóm ngành dầu khí có thể lưu ý khi giá dầu có tín hiệu phục hồi dần khi dịch Covid tạm lắng xuống trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Như đã nói ở trên, tôi quan tâm đến một số ngành nghề được hưởng lợi như: nhóm đầu tư công (như thép, đá xây dựng, nhựa đường...), nhóm thực phẩn, thủy sản, hóa chất…

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Trong giai đoạn khi rủi ro thị trường dần gia tăng và thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn điều chỉnh, các nhà đầu tư vẫn nên chú ý và nắm giữ ở nhóm ngành tăng trưởng tốt nhất là nhóm ngành Sản xuất thực phẩm vì đây vẫn là dòng an toàn nhất để giảm thiểu rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

Thực tế đã có khá nhiều nhà đầu tư chuyển từ chứng khoán cơ sở sang chứng khoán phái sinh, bởi phái sinh đang hấp dẫn với đòn bẩy lớn hơn, biến động cao hơn và đặc biệt đầu tư được cả 2 chiều điều mà cơ sở không thể. Nhưng từ thực tế phiên 21/5 vừa qua cho thấy, một bộ phận nhà đầu tư đã phải trả giá vì đặt lệnh sai thời điểm, khi một lực mua giá trần cực lớn đổ vào sàn ngay trước khi khớp ATC, khiến bên bán không kịp trở tay. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về cơ hội, rủi ro giữa chứng khoán phái sinh và cơ sở ở thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Chứng khoán cơ sở và phái sinh cùng là kênh đầu tư chứng khoán nhưng rõ ràng chiến lược giao dịch và cách phân bổ vốn có nhiều điểm khác biệt.

Giao dịch chứng khoán phái sinh mang yếu tố đầu cơ nhiều hơn và nhà đầu tư cần tập trung tinh thần và theo sát diễn biến thị trường để có chiến thuật mua bán hợp lý và kiểm soát tâm lý để bảo vệ tài khoản.

Cơ hội ở chứng khoán phái sinh rõ ràng là lớn hơn, kích thích nhà đầu tư hơn nhưng dĩ nhiên rủi ro đi kèm cũng tương đương. Tùy từng thời điểm nhà đầu tư có thể lựa chọn giữa phái sinh và cơ cở để có thể kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Về lâu dài khi tham gia thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn ưu tiên chứng khoán cơ sở vẫn nhiều nhất vì cơ bản chứng khoán cơ sở gắn với hoạt động doanh nghiệp, diễn biến kinh tế. Nhà đầu tư có thể làm nhiều việc khác mà không mất quá nhiều thời gian theo dõi và áp lực để theo diễn biến thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng nhà đầu tư đã có tiến bộ vượt bậc trong gần 3 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh ra đời. Phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5 vừa qua (21/5) đã xảy ra theo kịch bản chưa từng có kể từ trước tới nay, cũng như phiên đáo hạn hợp đồng tương lai đầu tháng 5 khi giá dầu âm. Đây là cơ hội đối với những nhà đầu tư nhạy bén xử lý tình huống trong thời gian ngắn cũng như xác định được xu hướng của thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, biến động của thị trường vẫn ở mức cao nên sẽ phù hợp với thị trường phái sinh. Tuy vậy, nên sử dụng phái sinh như công cụ để hedging cho danh mục cơ sở và đặc biệt lưu lý rủi ro trong ngày đáo hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Thị trường phải sinh vẫn là thị trường rủi ro nhất và vẫn chưa đóng vai trò là sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho danh mục đầu tư của các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư. Hiện tại, thị trường phái sinh vẫn là thị trường có tính chất đầu cơ cao và nhà đầu tư không bám sát thị trường và có chiến lược lướt sóng rõ ràng thì rất dễ dẫn đến thiệt hại trên thị trường này.

Tuy nhiên, trên góc nhìn từ nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng thị trường phái sinh vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt, nhất là trong giai đoạn thị trường giá xuống, nhưng ở giai đoạn thị trường giá lên thì thị trường cơ sở vẫn là thị trường tìm kiếm lợi nhuận tốt nhất và minh bạch nhất.

Đồng thời, việc tham gia vào thị trường phái sinh ở thời điểm này thì các nhà đầu tư chỉ nên để tỷ trọng thấp từ 20-30% tổng danh mục.

con co hoi de nha dau tu kiem loi tu chung khoan phai sinh Tin tức chứng khoán mới nhất 9h hôm nay 25/05/2020

KTCKVN - Những thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như NVL, PNJ, TVB, PGC… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng ...

con co hoi de nha dau tu kiem loi tu chung khoan phai sinh Thị trường chứng khoán ngày 25/5: Thông tin trước giờ mở cửa

KTCKVN - Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 160 tỷ đồng; Đồng USD gây áp lực đẩy vàng đi xuống; Thành viên HĐQT Cao ...

con co hoi de nha dau tu kiem loi tu chung khoan phai sinh Nhận định chứng khoán tuần 25-29/5: Xu hướng thị trường phái sinh và chứng quyền

KTCKVN - Vietstock vừa đưa ra nhận định về thị trường phái sinh và chứng quyền cho tuần giao dịch từ 25-29/05/2020. Tạp chí điện ...

Theo tinnhanhchungkhoan.vn