Cơn bĩ cực của ngành xây dựng: 'Kẹt' vốn, cạn tiền từ 'ông nhỏ' đến 'ông lớn'

Cập nhật: 16:33 | 22/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Nợ đọng, 'kẹt' vốn là những nỗi lo mà toàn bộ doanh nghiệp xây dựng đang phải đối diện, từ 'ông nhỏ' cho tới những 'ông lớn' như trường hợp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).

Cơn bĩ cực của ngành xây dựng: 'Kẹt' vốn, cạn tiền từ 'ông nhỏ' đến 'ông lớn'
HĐQT của Licogi 166 (LCS) sau thời gian quan sát và cân nhắc kĩ lưỡng, đã chọn cho mình phương án... tạm ngừng kinh doanh, chờ đợi thị trường ấm dần lên cùng với những tia hy vọng mới.

Cạn tiền...

Một năm qua, các chủ doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu đã phải sống trong thấp thỏm, lo âu mỗi khi nghĩ đến thời hạn trả nợ khoản vay tín dụng, hay công nợ của đối tác... Họ cũng hoạt động trong tình trạng "ăn đong", chạy đôn chạy đáo để thu xếp tiền lương chi trả cho người lao động hàng ngày.

Nguồn cơn là do thị trường bất động sản sụt giảm quá nhanh, quá mạnh và đầy bất ngờ, khiến ngành xây dựng hoàn toàn bị động. Dòng tiền của các chủ đầu tư dự án ngày một co cụm, cạn dần trong bối cảnh thị trường vốn ách tắc và gặp nhiều vướng mắc khó tháo gỡ. Vì thế, chuyện chủ đầu tư giam nợ, thậm chí nợ xấu đang trở thành vấn đề rất đáng lo ngại đối với các nhà thầu.

Không đòi được nợ từ chủ đầu tư, nhằm tự cứu lấy mình, doanh nghiệp xây dựng chọn cách cắt giảm nhân sự, giảm lương, dừng thi công. Song, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, họ cần suy tính đến những phương án khác để làm sao có thể phù hợp với tình thế đáng quan ngại của thị trường, có thể còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Chẳng hạn, như trường hợp của "ông lớn" làng xây dựng - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Mới đây, HBC với vai trò tổng thầu, do gặp vấn đề trong việc huy động dòng tiền, đã buộc phải chậm thanh toán công nợ cho một số nhà thầu phụ (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay). Không hài lòng với cách làm việc của HBC, các nhà thầu phụ này đã đồng loạt gửi công văn đến chủ đầu tư dự án về việc tạm dừng thi công dự án, như một động thái thúc nợ mạnh mẽ.

Phản hồi về thông tin trên, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC đã thừa nhận tình trạng khó nhọc về tài chính của doanh nghiệp. Ông Hải cho biết, bản thân HBC cũng đang bị nợ đọng từ phía chủ đầu tư, thậm chí một số khách hàng khó tới nỗi phải tiến hành thanh toán cho HBC bằng chính sản phẩm bất động sản của họ.

Cực chẳng đã, đối diện với tình trạng "đói" vốn, vị Chủ tịch HĐQT đề nghị các nhà thầu phụ trên xem xét thay thế việc thanh toán công nợ bằng bất động sản - như cách HBC đã phải nhận để cấn trừ nợ với khách hàng.

Ngoài bất động sản, ông Hải còn kêu gọi các nhà thầu phụ cấn trừ nợ bằng thiết bị thi công xây lắp: "HBC có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, nếu quý công ty nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với HBC để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất".

Năm vừa qua, HBC báo lỗ ròng hơn 1.140 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên nhà thầu xây dựng này chịu lỗ kể từ khi niêm yết. Chất lượng tài sản cũng trở xấu, khi hơn 70% trong số 17.000 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn. Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả vượt 14.280 tỷ đồng, với nợ vay ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Lưu chuyển tiền thuần cả năm của doanh nghiệp cũng âm hơn 200 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dương 490 tỷ đồng năm 2021.

Những gì đang xảy ra tại HBC đại diện cho bức tranh tối màu của toàn ngành. Nên biết, trong suốt lịch sử hoạt động hơn 30 năm, HBC chưa một lần nào để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, bất động sản lao đao và việc siết chặt các chính sách về hạn mức tín dụng trong thời gian qua, đã "thổi bay" toàn bộ thành tích này của HBC.

Ngừng hoạt động

Ở góc độ bi quan hơn, HĐQT của Licogi 166 (LCS) sau thời gian quan sát và cân nhắc kĩ lưỡng, đã chọn cho mình phương án... tạm ngừng kinh doanh, chờ đợi thị trường ấm dần lên cùng với những tia hy vọng mới.

Theo đó, từ ngày 15/3, LCS chính thức tạm dừng kinh doanh một năm, với lý do gặp khó khăn, cần tạm ngừng để tìm phương hướng giải quyết và củng cố lại cơ cấu tổ chức. LCS là doanh nghiệp có 60% doanh thu đến từ xây lắp, còn lại từ mảng kinh doanh vật liệu xây dựng.

Ban lãnh đạo cho biết, vấn đề LCS gặp phải là cạn nguồn tài chính để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Cổ đông cũng đã đồng ý cho phép LCS tạm dừng hoạt động, thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Năm vừa qua, LCS chỉ thu về 3 tỷ đồng, không bù đắp nổi các chi phí khiến doanh nghiệp "cõng" lỗ trước thuế gần 100 tỷ đồng, là năm thứ hai liên tiếp thua lỗ. Vì thế, doanh nghiệp đã dừng thi công các dự án, một số dự án đã ký đồng cũng phải dừng hoặc chuyển cho đơn vị khác thực hiện. HĐQT cũng đã nghỉ và chưa bầu được HĐQT thay thế. Thậm chí, toàn bộ nhân viên đã nghỉ việc từ đầu năm 2022.

Những người còn ở lại trong ban lãnh đạo cho biết, họ đã nỗ lực kêu gọi các cổ đông mới, lên phương án tái cấu trúc, tìm kiếm các dự án mới, tìm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu đá. Vậy nhưng, giữa bối cảnh môi trường kinh doanh trầm lắng, đặc biệt là thị trường bất động sản, những cố gắng trên đã không đem lại kết quả như mong đợi...

Trên thị trường, trước khi tạm ngừng hoạt động, cổ phiếu LCS cũng đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch từ tháng 8/2022 do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2022 được soát xét quá 6 tháng so với quy định.

Đó là những gì đang diễn ra đối với ngành xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giới quan sát cho rằng thị trường sẽ chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung giải quyết những "nút thắt" cho bất động sản, như khơi thông dòng vốn tín dụng, cũng như vốn từ kênh trái phiếu. Định hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 cũng là động lực quan trọng, kiến tạo nguồn thu và giải quyết vấn đề việc làm cho các nhà thầu.

Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng cho thấy xu hướng giảm mạnh sau khi liên tiếp lập đỉnh, giúp doanh nghiệp xây dựng tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sinh lời. Tại báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá, hệ thống đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển… năm 2023 sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay.

Điều đó mở ra tương lai tươi sáng cho các nhà xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng. Đối với thị trường bất động sản, dù phân khúc nhà ở khó có thể sớm đảo chiều, song MASVN cho rằng những nhà phát triển dự án có nền tảng tài chính tốt, năng lực quản lý cao sẽ vẫn tìm thấy cơ hội kinh doanh tốt, có thể "rẽ mây để thấy mặt trời".

Công ty Đức Anh - nhà thầu mới nổi đất Bắc Giang, doanh thu 'khủng' nhưng không bù nổi lỗ

Từ giữa năm 2022, Công ty CP Đức Anh nổi lên như một "ngôi sao" khi liên tiếp trúng các gói thầu trị giá hàng ...

Khảo sát và Xây dựng (USC) bị cưỡng chế tài khoản ngân hàng để thu hồi nợ thuế

Ngày 02/03/2023 vừa qua, Chi cục thuế quận Cầu Giấy trực thuộc Cục thuế TP Hà Nội đã văn bản gửi đến Công ty CP ...

Rộ tin Xây dựng Hòa Bình (HBC) nợ tiền nhà thầu phụ, nhiều dự án lớn bị vạ lây

Vừa qua, hàng loạt các nhà thầu phụ của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) cho biết sẽ tạm dừng ...

Vân Oanh