Cổ tức ngành nước vẫn là vùng trú ẩn hấp dẫn, nên chọn cổ phiếu nào?
Cổ tức tiền mặt cao, chia đều nhiều năm liền là lý do cổ phiếu ngành nước hút nhà đầu tư. Nhưng ai mới là doanh nghiệp “hào phóng” nhất.
Không giống nhiều ngành công nghiệp có tính chu kỳ mạnh, doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước sở hữu đặc thù vận hành ổn định, ít yêu cầu đầu tư mới liên tục và phần lớn vốn vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Nhờ đó, họ có khả năng duy trì việc chia cổ tức tiền mặt một cách đều đặn qua nhiều năm, trở thành “vùng trú ẩn” hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động.

Cổ tức tiền mặt được coi là “đặc sản” của doanh nghiệp ngành nước
Theo thống kê, tỷ lệ chia cổ tức bình quân toàn ngành nước đạt khoảng 66% trong 7 năm gần đây. Một số doanh nghiệp còn chia vượt 100% lợi nhuận năm liền trước, tức sử dụng cả phần lợi nhuận giữ lại để trả cho cổ đông.
Việc tính tỷ lệ chia cổ tức trong bài dựa trên tổng tiền mặt thực chi chia cổ tức trong năm so với lợi nhuận ròng của năm trước, giúp phản ánh chính xác mức độ chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và cổ đông, dù một số đơn vị chia thành nhiều đợt hoặc kéo dài sang năm sau.
Những doanh nghiệp làm bao nhiêu, chia hết bấy nhiêu
Một trong những cái tên tiêu biểu nhất là Cấp nước Nhơn Trạch (UpCom: NTW), doanh nghiệp chưa từng chia cổ tức dưới 93% kể từ năm 2017. Năm 2019, NTW chia tới 118% và mức cổ tức dự kiến cho năm 2024 lên tới 143%. Công ty mẹ của NTW là Cấp nước Đồng Nai (DNW), đơn vị nắm giữ hơn 52% cổ phần, được ước tính sẽ thu về hơn 61 tỷ đồng cổ tức trong giai đoạn 2017–2025 từ công ty con này.
Tương tự, Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc (BWA) dù lợi nhuận sụt giảm vẫn giữ nguyên tỷ lệ chia, khiến tỷ lệ cổ tức tăng vọt lên 151% và 124% trong hai năm gần nhất. Nước sạch Bắc Ninh (BNW) từng có năm chia tới 156% vào 2017 và duy trì mức quanh 100% trong các năm sau. Cấp nước Nam Định (NDW) cũng không kém cạnh với mức chia lợi nhuận lên đến 137% vào năm 2022 và lần lượt là 88%, 82% trong năm 2023 và 2024.
Điểm đáng chú ý ở nhiều doanh nghiệp ngành nước là chính sách “làm bao nhiêu, chia hết bấy nhiêu”. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, toàn bộ phần lợi nhuận còn lại đều được chi trả cho cổ đông, không giữ lại. Nước sạch Bắc Giang (BGW) là một ví dụ điển hình. Từ mức chia 54% năm 2017, tỷ lệ cổ tức của công ty này đã tăng lên 84% trong năm 2024 và dự kiến đạt 90% trong năm 2025. Việc không còn lợi nhuận chưa phân phối đồng nghĩa với việc toàn bộ phần lãi được đưa về cho cổ đông. UBND tỉnh Bắc Giang – cổ đông chi phối – sẽ nhận về gần 30 tỷ đồng cổ tức trong giai đoạn 2017–2025.
Cấp thoát nước Tuyên Quang (TQW) là doanh nghiệp tuy ít được nhắc đến nhưng có tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm cao nhất ngành. Năm 2024, doanh nghiệp dành tới 97% lợi nhuận để chi trả cổ tức và dự kiến giữ nguyên trong năm sau. Từ năm 2018 đến nay, TQW chưa năm nào chia dưới 87%. Cấp nước Đà Nẵng (DNN) cũng duy trì mức chia trên 80% từ năm 2021 đến nay mà không giữ lại phần lợi nhuận nào. Cấp nước Thanh Hóa (THN) cũng đều đặn chia cổ tức quanh mức 70%, và phần còn lại được dùng để trích quỹ, không còn khoản lợi nhuận chưa phân phối.
Một điểm đáng chú ý khác là thói quen chia cổ tức theo “lịch hẹn” cố định, thậm chí kéo dài suốt hơn một thập kỷ. Cấp thoát nước Bình Định (BDW) duy trì việc chi trả cổ tức vào tháng 9 hàng năm suốt 10 năm liên tục. Riêng năm 2023, công ty chia mức cổ tức kỷ lục và UBND tỉnh Bình Định, cổ đông lớn nhất, thu về hơn 47 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp như Cấp nước Bến Thành (BTW), Cấp nước Gia Định (GDW), Cấp nước Nhà Bè (NBW) và Cấp nước Chợ Lớn (CLW) đều duy trì lịch chia cổ tức giữa năm trong hơn 15 năm. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Sawaco), đơn vị mẹ sở hữu từ 50–70% vốn tại phần lớn các công ty cấp nước tại TP.HCM, được đánh giá là bên hưởng lợi lớn nhất. Trong giai đoạn 2017–2025, Sawaco ước tính nhận về không dưới 400 tỷ đồng cổ tức từ hệ sinh thái các công ty cấp nước trực thuộc.
Ngoài ra, BWA cũng là một trường hợp đáng chú ý khi duy trì chia cổ tức định kỳ vào tháng 5 hàng năm trong ít nhất 15 năm qua, với mức ổn định 450 đồng/cổ phiếu trong 5 năm gần đây. Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW) từ khi niêm yết năm 2016 luôn trả cổ tức vào tháng 10. BGW chia cổ tức vào giữa năm từ 2018 đến nay. Ở phía Bắc, Cấp nước Hải Phòng (HPW) đều đặn trả cổ tức vào tháng 5 với mức dao động từ 800 đến 850 đồng/cổ phiếu kể từ năm 2016.